GS

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn công bố các Lệnh của Chủ tịch nước.

Khuyến khích DN tham gia cung cấp dịch vụ công

Hiện tại, Pháp lệnh hiện hành quy định các khoản phí, lệ phí gắn với dịch vụ công do Nhà nước và DN cung cấp. Mức thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí do Nhà nước quy định, chưa khuyến khích DN tham gia cung cấp dịch vụ công. Để đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, Luật Phí và lệ phí quy định Danh mục các khoản phí, lệ phí gắn với dịch vụ công do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp; trường hợp dịch vụ đó do DN cung cấp thực hiện giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá.

Về nguyên tắc xác định mức thu phí, hiện các khoản phí trong Danh mục kèm dự thảo Luật đều do cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp. Tuy nhiên, trong tương lai một số khoản phí có khả năng xã hội hoá cao, có thể chuyển giao cho DN cung cấp. Do đó, tại Điều 8 Luật phí và lệ phí quy định nguyên tắc thu phí là mức thu phí được xác định cơ bản đảm bảo bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Cùng với danh mục chi tiết các khoản phí, lệ phí được ban hành kèm theo, Luật cũng quy định cụ thể thẩm quyền của 4 cơ quan Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với từng khoản phí, lệ phí. Để khuyến khích xã hội hoá, một số khoản phí trong Danh mục được chuyển sang cơ chế giá. Trong đó, một số dịch vụ Nhà nước quản lý giá được quy định trong Danh mục ban hành kèm theo Luật phí, lệ phí để đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ được ổn định, không phải sửa Luật Giá.

VTM
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai giới thiệu về Luật Phí và lệ phí

Cơ quan nhà nước thu phí phải nộp vào NSNN

Đối với việc quản lý và sử dụng phí, lệ phí, Pháp lệnh hiện hành quy định tổ chức thu được để lại một phần phí, lệ phí (trong trường hợp ủy quyền thu) để trang trải chi phí thu. Một số cơ quan hành chính có thu thì số phí, lệ phí để lại được coi là nguồn thu để trang trải các chi phí thu và chi phí hoạt động. Điều này dẫn đến khó khăn cho công tác kiểm soát, hạch toán thu – chi NSNN.

Vì vậy, để phù hợp với quy định của Luật NSNN sửa đổi, Luật Phí và lệ phí quy định phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào NSNN, trừ trường hợp được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ. Phí thu từ dịch vụ do cơ quan sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ để trang trải chi phí theo dự toán đã được phê duyệt, còn lại nộp NSNN. Phí thu từ hoạt động dịch do tổ chức được cơ quan nhà nước giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ nhằm trang trải chi phí hoạt động, việc quản lý và sử dụng phí theo quy định của pháp luật.

Luật Phí và lệ phí sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

H.Y