Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online là cần thiết

Đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính cho rằng, chính sách thuế TTĐB đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện. Chẳng hạn như: đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế; chưa bao quát hết được các mặt hàng phải hạn chế tiêu dùng, các mặt hàng cần định hướng sản xuất...

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồ họa: Thế Dương

“Để góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động này, cần nghiên cứu bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất hợp lý, để đảm bảo hạn chế dịch vụ này” - Bộ Tài chính đề xuất.

Theo đó, Bộ Tài chính đánh giá ngành này có doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, cần thiết nghiên cứu tính thuế TTĐB với game online để định hướng tiêu dùng.

Góp ý dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi, theo giới chuyên gia, việc áp thuế TTĐB đối với dịch vụ game online là biện pháp hạn chế dịch vụ nội dung trò chơi không khuyến khích đối với đối tượng chơi đa phần là người trẻ; nhiều loại game có tính chất gây nghiện, game bạo lực và nhập vai tác động rất lớn đối với đời sống xã hội.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc đề xuất áp dụng thuế TTĐB với game online là cần thiết. Bởi game online là một hình thức trò chơi giải trí nhưng mang tính chất “gây nghiện”, dễ dẫn đến tác động không tốt cho sức khỏe, nhận thức của con người. Thực tế trước đây đã từng xảy ra không ít vụ việc nổi cộm như trộm cắp, giết người mà nguyên nhân bắt nguồn từ đối tượng nghiện game online.

Tuy vậy, ông Thịnh cũng lưu ý, áp dụng sắc thuế này cần thêm nhiều nghiên cứu về mức thuế suất giữa công ty làm game và cá nhân làm game. Đặc biệt cần có chính sách khuyến khích các công ty game trong nước phát triển để hạn chế game nhập khẩu, game lậu tràn vào Việt Nam. Việc áp thuế phải hướng đến mục tiêu không làm hạn chế năng lực cạnh tranh của các công ty trong nước.

Ngành công nghiệp game đang đóng thuế cho... nước ngoài

Đồng hành với Bộ Tài chính trong việc tăng cường các biện pháp thuế để định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh game online, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai các biện pháp quản lý chặn kết nối và thanh toán với game không phép để chống thất thu ngân sách.

Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, nghịch lý thị trường game Việt Nam hiện nay là khi doanh thu đạt mức cao nhưng đa số lại đóng thuế cho nước ngoài.

Ngoài game online do doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, người chơi hiện nay cũng có thể chơi các game do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp qua biên giới vào Việt Nam và thanh toán qua cổng thanh toán, thẻ cào điện thoại, thanh toán trực tiếp qua ngân hàng, thẻ tín dụng.

Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), ngành kinh doanh trò chơi tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, ước có gần 28,5 triệu người chơi. Năm 2021, tổng doanh thu từ thị trường game Việt đạt khoảng 665 triệu USD, xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á. Doanh thu các trò chơi sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu lên đến 200 triệu USD/năm.

Mặc dù doanh thu từ game của Việt Nam khá lớn, nhưng theo ông Lê Quang Tự Do, số tiền nộp thuế cho Nhà nước chỉ chiếm 50%. 50% còn lại là các cá nhân, tổ chức đóng thuế cho nước ngoài, chủ yếu là Singapore - nơi doanh nghiệp Việt đăng ký trụ sở, nhằm tận dụng các chính sách ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi thuế.

Để quản lý chặt chẽ thị trường game, khắc phục tình trạng thất thu thuế từ ngành game, trước mắt Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu, đề xuất thay đổi chính sách làm game. Đồng thời, trong năm 2023, bộ này dự kiến triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng trong nước như ban hành Chiến lược phát triển game online giai đoạn 2022 - 2027, đặt mục tiêu khuyến khích sản xuất và phát hành game do người Việt xây dựng để giảm tỷ lệ game nhập khẩu; phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và phát hành trò chơi tại thị trường trong nước…

Xử lý 10 trường hợp vi phạm trong kinh doanh game

Theo Tổng cục Thuế, qua rà soát phát hiện một số doanh nghiệp được cấp phép phát hành game, nhưng đơn vị tải game lên các kho ứng dụng trực tuyến lại là doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, một số doanh nghiệp không thực hiện lưu trữ thông tin cá nhân người chơi tại hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, không kết nối thanh toán với hệ thống thanh toán hợp pháp của Việt Nam.

Sau khi phát hiện vi phạm, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công an xử lý vi phạm hành chính với hơn 10 trường hợp vi phạm. Đồng thời, Tổng cục Thuế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét thu hồi giấy phép và đề nghị Ngân hàng Nhà nước dừng thanh toán, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra về hành vi trốn thuế.