9

Nguồn: Nghị quyết số 106/NQ-CP Đồ họa: Hồng Vân

PV: Thưa ông, thực tế cho thấy, thời gian qua không ít doanh nghiệp (DN) phải lao đao, thậm chí đối diện với “cửa tử” vì dịch Covid-19 bùng phát, nhất là DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn chung tay cùng Nhà nước phòng chống đại dịch. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?

TS. Tô Hoài Nam: Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 bùng phát, nhất là trong lần thứ 4 này đã tác động tiêu cực đến mọi mặt về kinh tế - xã hội. Trong suốt quá trình đó, nhằm tài trợ cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước phòng, chống dịch bệnh, cộng đồng DN đã có nhiều hoạt động tích cực.

pv9
TS. Tô Hoài Nam

Trong đó, đáng ghi nhận là bằng nguồn lực riêng của mình, ngoài đóng góp tài chính cụ thể, rất nhiều DN đã chủ động nhập khẩu các loại hàng hóa, trang thiết bị máy móc, thuốc thang để tài trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch hiệu quả, chung tay với nhà nước nhanh chóng đẩy lùi Covid-19.

PV: Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Nhà nước sẽ miễn 2 loại thuế đối với hàng hóa này đó là thuế nhập khẩu (NK), thuế giá trị gia tăng (GTGT). Ông đánh giá như thế nào về chính sách này?

TS. Tô Hoài Nam: Trước tiên, chúng ta nhận thấy chính sách được Bộ Tài chính xây dựng, thiết kế nhanh để đáp ứng yêu cầu thực tế. Được biết, trước đó ngày 20/8, UBND TP. Hồ Chí Minh có văn bản trình Thủ tướng xin được áp dụng cơ chế đặc thù đối với thủ tục tiếp nhận, thông quan hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó nêu thực trạng, hiện nhiều cơ quan chính phủ các nước, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cá nhân... đề nghị viện trợ cho thành phố chống dịch. Các vật tư viện trợ gồm hàng hóa, trang thiết bị y tế, thuốc, vắc-xin nhằm chi viện cho các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, bệnh viện dã chiến điều trị tập trung… Tuy nhiên, chính sách thuế đối với hàng hóa NK là quà biếu, quà tặng không được miễn thuế GTGT, hàng hóa mua từ nước ngoài hỗ trợ phòng, chống Covid-19 cũng không được miễn thuế. Vì vậy, UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã nhanh chóng, kịp thời nghiên cứu và có văn bản báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất ban hành nghị quyết xử lý chung đối với hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch và Nghị quyết số 106/NQ-CP đã được ban hành.

Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan nhận được văn bản đề xuất được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu (NK), thuế giá trị gia tăng đối với lô hàng tài trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam của Công ty CP du lịch thương mại và đầu tư Thủ Đô và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế. Được biết, Công ty CP du lịch thương mại và đầu tư Thủ Đô đã làm thủ tục NK lô hàng 3.697.200 bộ kit test xét nghiệm kháng nguyên nhanh Covid-19 và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế NK lô hàng 2.000.000 viên thuốc Avigan.

Tôi cho rằng, trong lúc đại dịch đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ đời sống xã hội và kinh tế thì chính sách miễn thuế NK, thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là rất thiết thực.

PV: Hiện nay có quan điểm cho rằng, thuế GTGT là thuế gián thu. Vì thế, giảm thuế GTGT chưa chắc đã làm lợi cho DN. Đây là quan điểm đã tạo ra một số tranh luận nhất định. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

TS. Tô Hoài Nam: Riêng cá nhân tôi, luôn ủng hộ việc giảm thuế GTGT trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, thuế GTGT liên quan đến dòng tiền, trong khi DN đang rất khó khăn về dòng tiền. Do đó, giảm thuế GTGT thực chất sẽ giảm bớt gánh nặng về dòng tiền để DN có thêm nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, khi tình hình đã ổn định với việc Nhà nước kiểm soát được dịch bệnh, việc DN đóng thuế GTGT lại sẽ trở thành câu chuyện bình thường.

Theo đó, việc áp dụng chính sách sẽ hỗ trợ phần nào về tài chính, sẽ phần nào giảm bớt gánh nặng về dòng tiền cho DN NK mặt hàng đang có nhu cầu cao trong bối cảnh DN phải đã và đang đối mặt với vô vàn khó khăn vì dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách này đồng thời khuyến khích DN đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, phục vụ đầy đủ hơn, hiệu quả hơn cho công tác phòng chống dịch bệnh, góp phần sớm đẩy lùi đại dịch trong nước.

PV: Theo ông, để nhanh chóng đưa chính sách vào thực tiễn một cách hiệu quả cũng như quản lý chặt chẽ, đảm bảo nghị quyết được thực thi đúng đối tượng, mục tiêu, tránh tình trạng trục lợi từ chính sách, cơ quan chức năng cần có giải pháp gì?

TS. Tô Hoài Nam: Theo khảo sát thực tế, ngay sau khi Nghị quyết số 106/NQ-CP được ban hành ngày 11/9 vừa qua, có thể thấy ngành Hải quan đã có sự chủ động, nhanh chóng bắt tay vào cuộc, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Tôi thấy rằng, để ngăn chặn các hành vi trục lợi từ chính sách, nghị quyết quy định rõ ràng và chi tiết hồ sơ, thủ tục áp dụng chính sách thuế đối với hàng hóa này. Trong đó, giao các đơn vị liên quan tiếp nhận hàng hóa theo đề nghị của tổ chức, cá nhân, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy ra việc trục lợi chính sách.

Bên cạnh đó, quy định cơ quan hải quan phải căn cứ vào các văn bản phê duyệt của các cơ quan chức năng cũng phải bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ. Đáng chú ý, để không bỏ sót đối tượng DN được hưởng lợi từ chính sách, nghị quyết cũng quy định các trường hợp hàng hóa đã nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch trước đó cũng được áp dụng. Trong trường hợp đã nộp thuế NK, thuế GTGT thì được xử lý số thuế NK, thuế GTGT đã nộp theo quy định pháp luật quản lý thuế về xử lý tiền thuế nộp thừa.

PV: Xin cảm ơn ông!


Chủ động gỡ khó cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng phục vụ phòng,

chống dịch Covid-19


Trong thời gian qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục nhập khẩu, mua sắm các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản hướng dẫn các cơ quan chức năng cũng như yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông quan ngay trong ngày các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm, để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Đơn cử, trong tháng 8/2021, ngay sau khi nhận được Công văn số 5411/BKHĐT-QLĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các vướng mắc về mua sắm phục vụ phòng, chống dịch, Bộ Tài chính đã hồi đáp và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg theo hướng bổ sung thêm các gói thầu mua hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp khẩn cấp phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và gói thầu thuê bốc xếp, bao bì đóng gói, bảo hiểm hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp phải giao hàng ngay đáp ứng yêu cầu cấp bách.

Sau đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có văn bản số 1393/TCDT-CSPC về việc rà soát các vướng mắc về mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó nêu, việc mua hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp khẩn cấp phục vụ phòng, chống dịch không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu vì điều kiện thời gian không cho phép…


Tố Uyên (thực hiện)