Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh |
Chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang quản lý dòng vốn
Sáng 8/8, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp tổ chức tọa đàm về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại cuộc tọa đàm, ông Lê Anh Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán (Ngân hàng Nhà nước) cho hay ở dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các nội dung được thể hiện rất mới, thoát ly nhiều so với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69). Do đó, các doanh nghiệp rất quan tâm, góp ý cho dự thảo Luật này.
Chưa xác định được đối tượng với các ngân hàng 0 đồng Liên quan đến các ngân hàng 0 đồng, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết đây là những doanh nghiệp đang rất khó để xác định đối tượng. Các ngân hàng này thuộc 100% của nhà nước, nhưng tính toán giá trị thế nào thì chưa rõ. Do đó, việc đưa vào luật này hay để ở luật khác thì rất cần được thảo luận thêm và đặc biệt là cần có đề xuất giải pháp của NHNN, cơ quan trực tiếp quản lý, nắm rõ về các ngân hàng này. |
Trong đó, nội dung đầu tiên là xác định phạm vi, đối tượng. Hiện nay, NHNN có những đơn vị khá là đặc thù như Bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã và đặc biệt là một số ngân hàng 0 đồng (không có vốn nhà nước)…
Về quỹ đầu tư phát triển, một điểm sáng của dự thảo là Bộ Tài chính đề xuất tỷ lệ trích quỹ tối đa 80%, cao hơn mức 30% trước đây. Tuy nhiên, cơ chế điều phối, sử dụng quỹ cho các mục đích như chi tiền lương, chi phí kiểm toán, điều chuyển sang doanh nghiệp khác… là những vấn đề doanh nghiệp đang băn khoăn.
Theo đại diện ngân hàng Agribank, một trong những thay đổi lớn nhất của dự thảo là chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang quản lý dòng vốn đầu tư. Với quan điểm này, dự thảo quy định quản lý đến doanh nghiệp F2 (doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp – doanh nghiệp F1). Đại diện Agribank băn khoăn quy định này sẽ làm phức tạp hơn công tác quản lý.
Nội dung về phân phối lợi nhuận, quỹ đầu tư phát triển cũng là vấn đề các ngân hàng quan tâm. Theo đại diện Agribank, hiện các ngân hàng đều có nhu cầu tăng vốn hàng năm để đảm bảo tăng trưởng tín dụng. Việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% phụ thuộc vào ngân sách, do đó đề xuất nên cho phép để lại 100% lợi nhuận sau thuế để các ngân hàng tăng vốn.
Quỹ đầu tư phát triển không phải là sở hữu của doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng Ban Pháp chế Ngân hàng BIDV cho rằng cần làm rõ khái niệm, mục đích sử dụng quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp. Hiện nay dự thảo quy định quỹ có thể dùng để điều chuyển sang doanh nghiệp khác là chưa phù hợp, đại diện BIDV nêu ý kiến. Ngoài ra, nội dung về quản trị doanh nghiệp ở dự thảo Luật mới cũng đã được quy định ở luật chuyên ngành, do vậy nếu quy định Luật này có thể dẫn đến chồng chéo.
Đại diện ngân hàng VCB cho biết, hiện với các ngân hàng đã niêm yết như VCB, BIDV đang hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp… Vậy cần rà soát, xác định rõ phạm vi, thứ tự ưu tiên để đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo khi áp dụng luật.
Nêu ý kiến từ phía các ngân hàng 0 đồng đang thuộc quản lý của NHNN, đại diện Ngân hàng GP cho hay đây là ngân hàng đặc thù, Nhà nước quản lý chứ không đầu tư vốn. Hiện các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu và khi Luật này ban hành, các ngân hàng mong muốn Luật sẽ có những quy định cụ thể, tạo điều kiện để các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu.
Phát biểu làm rõ một số ý kiến các doanh nghiệp nêu, ông Bùi Tuấn Minh cho biết, việc đưa các doanh nghiệp F2 vào Luật mới là để tháo gỡ bất cập hiện nay ở Luật số 69 là chưa quy định về doanh nghiệp F2, do đó các doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện. Theo tinh thần của dự thảo, cơ quan đại diện chủ sở hữu quản lý doanh nghiệp F1, doanh nghiệp F1 quản lý F2, “đây là để tháo gỡ, dễ thực hiện hơn chứ không phải để làm khó khăn hơn”, ông Bùi Tuấn Minh nêu rõ.
Cũng theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, hiện nay có những doanh nghiệp F2 có vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, hay có hàng chục ngàn nhân viên. Với quy mô, tầm quan trọng như vậy thì cần có quy định rõ ràng, phân cấp cụ thể, cân bằng giữa quản lý và đầu tư.
Về quỹ đầu tư phát triển- ông Bùi Tuấn Minh khẳng định đây không phải là quỹ của doanh nghiệp mà là của chủ sở hữu, ngay ở tên gọi đã nêu rõ. Do đó, chủ sở hữu có thể sử dụng quỹ này để cho các mục đích khác cũng như điều chuyển tới các doanh nghiệp khác. Cũng với quan điểm này, việc phân phối lợi nhuận sau thuế phải được thực hiện theo Luật này chứ không phải Luật Các tổ chức tín dụng, bởi đây mới là luật chuyên ngành về quản lý vốn nhà nước.
ÔNG LÊ ANH XUÂN - PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ TÀI CHÍNH KẾ TOÁN (NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC): 12 doanh nghiệp của ngành ngân hàng có tổng tài sản hơn 8,5 triệu tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước hiện có 12 doanh nghiệp, trong đó bao gồm các ngân hàng thương mại nhà nước (VCB, BIDV, Agribank, Vietinbank), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas)… Tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp này là 233.000 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu là 170.000 tỷ đồng, quy mô tài sản lên tới hơn 8,5 triệu tỷ đồng. Đây là những doanh nghiệp có quy mô lớn, ở những lĩnh vực đặc thù, có tác động quan trọng đến hoạt động kinh tế xã hội của đất nước. Hiện nay, các doanh nghiệp đang hoạt động theo các luật chung như Luật Doanh nghiệp, Luật số 69 và các luật chuyên ngành như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi… Đối với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) hiện đang có một số vướng mắc như khái niệm doanh nghiệp do Thủ tướng thành lập. Bởi trong khối ngân hàng thương mại, một số ngân hàng trước đây do Hội đồng Bộ trưởng thành lập, do đó có vướng mắc về xác định thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Hiện Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97 để tháo gỡ vấn đề này. Bên cạnh đó có một số nội dung mà Luật số 69 chưa làm rõ nên vướng mắc khi triển khai như: phê duyệt dự án mua sắm tài sản; về các vấn đề liên quan khác cần báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu; khái niệm tài sản… Do đó, việc sửa đổi Luật số 69 lần này là rất quan trọng, với kỳ vọng của doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý là giúp khơi thông động lực, nguồn lực từ các doanh nghiệp có vốn nhà nước, từ đó tăng cường hiệu quả kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế. |
ÔNG HÀ QUÝ SÁNG - TRƯỞNG PHÒNG TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP, SỞ TÀI CHÍNH HÀ NỘI: Phân phối lợi nhuận sau thuế hài hòa lợi ích của các bên Trong quá trình triển khai Luật số 69, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng có phát sinh những vướng mắc, đặc biệt liên quan đến thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp trong quyết định đầu tư, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy trình, thủ tục đầu tư, sử dụng vốn nhà nước… Do đó, việc sửa đổi Luật lần này là rất cấp thiết. Sở Tài chính của TP.Hà Nội là đơn vị được tham gia vào ban soạn thảo Luật lần này và chúng tôi đã có những trao đổi, kiến nghị tập trung vào một số vấn đề lớn. Cụ thể như về đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh, chúng tôi kiến nghị cần làm rõ hơn về doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác để xác định đối tượng mà nhà nước quản lý doanh nghiệp nào. Ngay doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp thì cũng có rất nhiều loại hình doanh nghiệp, như công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ dưới 100%... Đối với nội dung tiền lương, tiền thưởng, chúng tôi cho rằng nên đưa vào chi phí hoạt động thực tế của doanh nghiệp chứ không phải lợi nhuận sau thuế. Về nguyên tắc, việc phân phối lợi nhuận sau thuế cần hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Cần có cơ chế để nhà nước thu được nguồn lợi từ đầu tư, vừa cũng để lại lợi nhuận cho doanh nghiệp tái đầu tư, mở rộng kinh doanh. Đồng thời, cũng phải đảm bảo để người lao động được hưởng thành quả qua quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi… |