chong buon lau an giang

Đối tượng buôn lậu cõng thuốc lá chạy về phía Campuchia khi thấy lực lượng hải quan.

Ngày và đêm chống buôn lậu

Sau nhiều lần dự định không thành, lần này tôi đã được mục sở thị cảnh sông nước An Giang đang bước vào mùa nước nổi. Buổi sáng đi dọc kênh Vĩnh Tế nước bắt đầu lên, những ngôi nhà “chân dài” mọc san sát bên bờ kênh. Thỉnh thoảng có con thuyền “ăn hàng sớm” chạy vội vã, khi thấy xuồng của lực lượng hải quan.

chống buôn lậu ở an giang
Kho tập kết hàng lậu phía biên giới Campuchia.

Trưởng phòng Chống buôn lậu, Cục Hải quan An Giang Huỳnh Ngọc Hồ hướng dẫn chúng tôi đi thị sát các khu vực phức tạp về buôn lậu, cho biết, An Giang tiếp giáp hai tỉnh Kan-dal và Tà-keo của Campuchia, với chiều dài đường biên giới gần 100 km, gồm 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn. Địa hình vùng giáp biên vừa đồng bằng vừa sông rạch liền với nước bạn, rất thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu nhưng lại rất khó khăn cho các lực lượng chống buôn lậu, nhất là vào mùa nước nổi.

Đang mải mê quan sát phong cảnh hai bên bờ sông và tìm bóng dáng buôn lậu, bất chợt, anh Hồ ra hiệu. Chiếc xuồng tăng tốc, vọt mạnh sang đầu kênh cách trạm biên phòng khoảng cách 800 m, bám theo một chiếc xuồng vừa quay đầu mở hết tốc lực về phía biên giới… Chiếc xuồng kia xa dần.

Chưa kịp định thần, anh Hồ giải thích cho chúng tôi, đây là xuồng buôn lậu chạy tắt kênh vào đổ hàng, gặp Cano hải quan vội vàng bẻ lái tháo chạy về phía biên giới. Quả thật, vây bắt buôn lậu trên sông nước là rất gian nan, đòi hỏi công phu và phải đảm bảo yếu tố bất ngờ và an toàn cho lực lượng chống buôn lậu.

Các kho hàng được đầu nậu tập kết dọc bờ sông phía Campuchia và có thể bị thẩm lậu sang nước ta bất cứ lúc nào, nhất là mùa nước nổi. Hàng nhập lậu chủ yếu là: Đường cát Thái Lan, rượu ngoại, thuốc lá điếu, bánh kẹo, mỹ phẩm, quần áo cũ, điện thoại di động, hàng điện tử đã qua sử dụng.

Chống buôn lậu An Giang
Anh Lê Văn Quang hướng dẫn chúng tôi quan sát kho hàng lậu tập kết sát biên giới.

Anh Lê Văn Quang - Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan An Giang kể: đó là ban ngày, khi đêm xuống còn quyết liệt hơn nữa. Vây bắt ban đêm rất nguy hiểm, có thể xảy ra tổn thương, thậm chí đến tính mạng anh em. Các đối tượng buôn lậu lợi dụng đêm tối, không nhìn rõ mặt, liều lĩnh tấn công chống trả, cướp hàng...

Hàng lậu dễ thấy, khó bắt

chống buôn lậu An Giang
Bến xuồng trạm kiểm soát hải quan bắt đầu vào mùa nước nổi.

Cuộc chiến chống buôn lậu trên địa bàn sông nước An Giang, không chỉ diễn ra trên bề mặt sông nước, kênh rạch mà còn diễn ra khá phức tạp trên đường bộ. Mặt hàng lợi nhuận cao chủ yếu là thuốc lá và đường cát Thái Lan.

Hàng hóa được chia nhỏ, mang vác theo nhiều kiểu cách khác nhau, đi công khai giữa cánh đồng chung biên giới. Các đầu nậu thuê người dân sống dọc vùng biên mang vác, chạy vỏ lãi dọc tuyến kênh Chắc Ri, Vĩnh Tế và kênh Cây Gáo.

Trên con đường dọc biên giới tại khu vực xã Vĩnh Ngươn, ba thanh niên đang chất hàng lên xe gắn máy. Khi chiếc xe chuyên dụng 7 chỗ của chúng tôi ập đến, một người trong số họ vội vàng vác kiện hàng chạy ngược lại cánh đồng bên kia biên giới.

chống buôn lậu AG
Đối tượng buôn lậu thuốc lá tập kết hàng tuồn vào nội địa.

Sao lại dễ thấy buôn lậu mà khó bắt như vậy? Lê Văn Quang cho hay, giữa Việt Nam và Campuchia sông tiếp sông, bờ nối bờ, nên đối tượng buôn lậu cũng dễ dàng quay ngược sang Campuchia. Một đặc thù của vận chuyển hàng lậu là tập kết hàng hóa dưới sàn nhà của người dân dọc biên giới. Nếu không bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện, bọn chúng nhanh chóng dùng xe máy chở đi tiêu thụ. Còn nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, bọn chúng sẽ “bỏ của chạy lấy người”, toàn bộ lô hàng đều là “vô chủ”, phần lớn phương tiện vận chuyển đều là xe gắn máy không giấy tờ, biển số giả…”

Sau một ngày ròng rã, thực địa cùng hải quan bắt buôn lậu, chúng tôi phần nào đã thấu hiểu được sự gian nan vất vả trong công tác chống buôn lậu nơi đây. Ấy vậy mà công việc không thể ngưng nghỉ, bám địa bàn từng ngày, từng giờ của các anh. Chúng tôi hiểu rằng, “cuộc chiến” còn trường kỳ và còn nhiều gian khổ và cũng cảm phục tinh thần và ý chí của các anh - “những người lính gác cửa nền kinh tế đất nước!”./.

Bài và ảnh: Hải Anh