Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác triển khai hoạt động do tác động của dịch Covid-19, tuy nhiên với quyết tâm cao và nỗ lực hết sức của tập thể Ban Lãnh đạo và toàn bộ cán bộ nhân viên Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội (HNX), đơn vị đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) giao. Công tác vận hành và giám sát các thị trường cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh đảm bảo an toàn, hiệu quả, quy mô các thị trường đều có sự ổn định và tăng trưởng cao.

Điểm số, thanh khoản thị trường cổ phiếu và phái sinh tăng ấn tượng

Năm 2021, HNX thực hiện xét duyệt niêm yết và đăng ký giao dịch chứng khoán theo các quy định của Luật Chứng khoán mới. Tính đến ngày 15/12/2021, số lượng chứng khoán được chấp thuận niêm yết là 23 mã, gồm 6 mã cổ phiếu và 17 mã trái phiếu doanh nghiệp. Số lượng chứng khoán được chấp thuận đăng ký giao dịch (ĐKGD) mới là 43 mã cổ phiếu. Bên cạnh đó, HNX thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với 15 mã chứng khoán, hủy niêm yết tự nguyện đối với 2 mã cổ phiếu, hủy ĐKGD 70 mã cổ phiếu. Sở cũng xử lý chấp thuận 66 hồ sơ đăng ký niêm yết bổ sung với tổng giá trị niêm yết bổ sung theo mệnh giá hơn 17.438 tỷ đồng và 83 hồ sơ đăng ký thay đổi đăng ký giao dịch, với tổng giá trị thay đổi ĐKGD hơn 13.425 tỷ đồng.

Lễ khai trương niêm yết cổ phiếu BAB của Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Lễ khai trương niêm yết cổ phiếu BAB của Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Tính đến ngày 15/12/2021, thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX có 346 doanh nghiệp với giá trị niêm yết đạt hơn 128,67 nghìn tỷ đồng, giá trị vốn hóa đạt hơn 488,9 nghìn tỷ đồng. Mặc dù số lượng doanh nghiệp niêm yết giảm 28 doanh nghiệp so với năm trước song quy mô niêm yết và thanh khoản của thị trường vẫn tăng khá mạnh so với năm trước, trong đó giá trị niêm yết tăng 10,2%, giá trị vốn hóa tăng 130%, chỉ số giá chứng khoán tổng hợp HNX Index tăng 123,85% so với cuối năm trước. Khối lượng giao dịch bình quân đạt xấp xỉ 150 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 3.136 tỷ đồng/phiên, tăng 147% về khối lượng và 335% về giá trị so với năm trước. Thị trường niêm yết trong năm 2021 có sự tham gia của 17 mã cổ phiếu chuyển niêm yết từ HOSE trong giai đoạn từ tháng 3/2021 đến đầu tháng 8/2021.

Thị trường UPCoM tại ngày 15/12/2021 có 889 doanh nghiệp ĐKGD, với giá trị ĐKGD theo mệnh giá đạt 393,9 nghìn tỷ đồng, giá trị vốn hóa UPCoM tại ngày 15/12/2021 đạt hơn 1.411 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020. Chỉ số UPCoM-Index ngày 15/12/2021 đạt 112,09 điểm, tăng 50,56% so với cuối năm 2020. Thanh khoản bình quân đạt 97,28 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 1.671 tỷ đồng/phiên, tăng 237% về khối lượng và 298% về giá trị giao dịch so với năm 2020. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 19/11, giá trị giao dịch UPCoM đạt 5.065 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay trong một phiên giao dịch trên thị trường UPCoM.

Năm 2021 - Khởi đầu thành công cho một giai đoạn phát triển mới

Cùng với đó, trong năm 2021, thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục có diễn biến giao dịch sôi động. Trong đó, sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có thanh khoản tăng mạnh và lập những kỷ lục mới, với khối lượng giao dịch bình quân đạt 191.677 hợp đồng/phiên (tăng 21% so với bình quân năm 2020), khối lượng hợp đồng mở (OI) vẫn duy trì xu hướng tăng. Khối lượng giao dịch đạt mức cao nhất 403.266 hợp đồng vào ngày 12/7/2021 và OI cao nhất lên tới 61.090 hợp đồng vào ngày 14/1/2021.

Sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 10 năm được chính thức đưa vào giao dịch từ ngày 28/6/2021, góp phần đa dạng hóa sản phẩm giao dịch trên thị trường. Tổng khối lượng hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm được giao dịch trong năm 2021 là 1.172 hợp đồng, OI cao nhất lên tới 149 hợp đồng.

Thị trường phái sinh tiếp tục thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến ngày 30/11/2021, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 641.341 tài khoản.

Trái phiếu chính phủ - thêm dấu ấn mới

Trong năm 2021, thị trường TPCP vẫn duy trì phát triển ổn định, tiếp tục là huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước. Tính đến ngày 15/12/2021, HNX tổ chức 213 đợt đấu thầu TPCP, TPCP bảo lãnh huy động vốn cho đầu tư phát triển với tổng giá trị gọi thầu 449.124 tỷ đồng, huy động thành công 332.467 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ huy động thành công đạt 74,02%.

Đặc biệt, so với cuối năm 2020, lãi suất trúng thầu đều giảm trên tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm giảm khoảng từ 0,12%/năm đến 0,46%/năm. Tính trung bình, lãi suất phát hành bình quân năm 2021 giảm 0,58%/năm so với năm 2020. So sánh với các năm trước đó, lãi suất phát hành bình quân TPCP đã giảm từ mức 10,7%/năm vào năm 2010 xuống 6,5%/năm vào năm 2015 và xuống còn 2,27%/năm vào năm 2021, giúp tiết kiệm chi phí huy động vốn cho Chính phủ.

Trên thị trường thứ cấp, tính đến 15/12/2021, quy mô niêm yết TPCP, TPCP bảo lãnh tại HNX đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 11,91% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 11.232 tỷ đồng/phiên, tăng 11,46% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị giao dịch mua đi bán lại (repos) chiếm 32,67%. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 2,82% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giảm 1,38% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị mua ròng năm 2021 của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9.721 tỷ đồng. Như vậy, giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2021 đã đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua với tăng 9,36% so với năm 2020 và tăng 29,9 lần so với năm 2010.

Năm 2021 - Khởi đầu thành công cho một giai đoạn phát triển mới

Có thể nói, sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường TPCP tại HNX có sự đóng góp hết sức tích cực của các tổ chức phát hành trái phiếu, điển hình như Kho bạc Nhà nước (KBNN) trong việc cải tiến hoạt động đấu thầu, đa dạng phương thức đấu thầu, đưa hoạt động đấu thầu trái phiếu thực sự trở thành kênh huy động vốn tiết kiệm và hiệu quả cho ngân sách nhà nước. Trong năm 2021, KBNN đã phối hợp với HNX triển khai các nghiệp vụ mua lại trái phiếu có kỳ hạn từ nguồn ngân sách nhàn rỗi và áp dụng bổ sung phương thức đấu thầu đa giá trong đấu thầu trái phiếu. Việc mua lại có kỳ hạn TPCP được KBNN thực hiện theo quy định tại Thông tư số 107/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính đã mở ra cơ chế cho phép KBNN được thực hiện các giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP với các ngân hàng thương mại là thành viên giao dịch TPCP. Trong khi đó, phương thức đấu thầu đa giá, áp dụng nhiều mức lãi suất trúng thầu, tùy mức lãi suất đặt thầu tương ứng của từng nhà đầu tư đặt thầu, giúp tạo ra cạnh tranh hơn trong đấu thầu. Ngày 27/10/2021, lần đầu tiên, KBNN đã huy động thành công 250 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 5 năm tại phiên đấu thầu đa giá, đặc biệt phiên đấu thầu ngày 17/11/2021, lãi suất trúng thầu đạt 0,76%/năm là mức lãi suất thấp nhất đối với kỳ hạn 5 năm từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, việc cơ cấu sản phẩm phát hành trên thị trường sơ cấp của KBNN, tập trung phát hành các kỳ hạn dài (trên 10 năm) giúp kỳ hạn giao dịch trên thị trường thứ cấp tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ tập trung giao dịch các kỳ hạn ngắn (dưới 3 năm) sang giao dịch các kỳ hạn trung và dài hạn, giúp ổn định nguồn vốn đầu tư dài hạn của Chính phủ. Tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng hỗ trợ tích cực cho hoạt động phát hành trên sơ cấp.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ, trong năm, HNX đã sửa đổi quy chế và ban hành quy trình vận hành chuyên trang thông tin TPDN. Tính đến ngày 30/11/2021, HNX đã tiếp nhận 878 bộ hồ sơ công bố thông tin trước phát hành tại thị trường trong nước, 5 bộ hồ sơ công bố thông tin trước phát hành tại thị trường quốc tế. Qua tổng hợp thông tin của các tổ chức phát hành công bố qua chuyên trang cho thấy, tại thị trường trong nước, tính đến ngày 20/11/2021, đã có 288 doanh nghiệp với 756 đợt phát hành thành công trái phiếu theo phương thức riêng lẻ với giá trị hơn 458.153 tỷ đồng, tăng 35,38% so với năm 2020. Tại thị trường nước ngoài, có 4 đợt phát hành TPDN thành công với giá trị phát hành thành công đạt 1.425 triệu USD, tăng gấp 7,7 lần so với năm 2020.

Để tiến tới quản lý giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên thị trường giao dịch có tổ chức, trên cơ sở phương án giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đã được Bộ Tài chính phê duyệt vào ngày 17/8/2021, công văn số 68/CV-VNX về triển khai xây dựng hệ thống trái phiếu phát hành riêng lẻ và công văn số 1218/TCNH-TT ngày 20/9/2021 về chuẩn bị điều kiện triển khai thị trường TPDN, HNX đã triển khai xây dựng hệ thống giao dịch TPDN và hệ thống tiêu chí giám sát TPDN. Bước đầu, HNX đã thống nhất yêu cầu bài toán sau khi lấy ý kiến các đơn vị nghiệp vụ có liên quan và hiện đang triển khai các bước chuẩn bị xây dựng hệ thống, đồng thời đã hoàn thành hệ thống tiêu chí giám sát TPDN, báo cáo VNX và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Vận hành ổn định, thông suốt, an toàn, hệ thống công nghệ thông tin

Công tác vận hành, giám sát và quản trị hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm, được theo dõi thường xuyên, liên tục nhằm phát hiện sớm các rủi ro xảy ra cho hệ thống. Trong năm 2021, mặc dù giao dịch trên các thị trường HNX đều tăng, đặc biệt khối lượng giao dịch trên thị trường cổ phiếu tăng mạnh, nhưng hệ thống giao dịch của HNX vẫn được đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, không xảy ra sự cố nào.

Công tác vận hành, quản trị hệ thống trong năm luôn được thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng quy định, quy trình. Các hệ thống được kiểm tra, vận hành, khởi động theo sổ tay quy trình nghiệp vụ (SOP), checklist kiểm tra, vận hành hệ thống hàng ngày. Việc giám sát hệ thống đuợc thực hiện thường xuyên, trước và trong giờ giao dịch để đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Phần mềm giám sát hoạt động gửi lệnh giao dịch trực tuyến sẽ tự động cảnh báo hoặc chủ động ngắt kết nối, trong trường hợp hệ thống công ty chứng khoán bị lỗi trùng lệnh, gửi lệnh sai chuẩn cấu trúc hoặc có giao dịch đột biến số lượng, khối lượng một cách bất thường so với bình quân trong khoảng thời gian trước đó.

Cùng với đó, HNX đã đầu tư dự án nâng cấp, thay thế hệ thống firewall phân vùng cung cấp thông tin và dịch vụ bảo hành mở rộng các giải pháp an ninh bảo mật, đảm bảo các giải pháp các an ninh bảo mật tại sở thường xuyên được cập nhật các phiên bản phần mềm mới nhất, các cơ sở dữ liệu chống tấn công mới nhất mới phát huy tối đa hiệu quả, nhất là đối phó với các dạng tấn công mới thường xuyên được phát hiện. Bên cạnh đó, HNX thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng chuyên môn thực hiện đánh giá điểm yếu từ bên ngoài cho các hệ thống có kết nối Internet, do đó đã khắc phục được khá nhiều vấn đề rủi ro tiềm ẩn.