Từ chối thanh toán hàng chục tỷ đồng

Trong 3 tháng đầu năm, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ước tính số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 3 tháng qua khoảng 14,48 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng thực hiện các giải pháp huy động và sử dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực thực hiện Chương trình, bảo đảm đáp ứng kinh phí, đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước (NSNN) nói chung và thuộc Chương trình nói riêng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển.

Triệt để tiết kiệm nguồn chi từ ngân sách, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tăng cường công tác kiểm soát chi, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN, các chủ đầu tư. KBNN chủ động quản lý, điều hành, sử dụng ngân quỹ nhà nước đảm bảo an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi của ngân sách các cấp, các đối tượng gửi tiền tại KBNN.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3/2023, toàn hệ thống KBNN đã thanh toán vốn chi thường xuyên đạt 196.974 tỷ đồng, bằng 16,6% dự toán chi thường xuyên năm 2023 của NSNN qua KBNN; thanh toán vốn đầu tư ước đạt trên 53.944 tỷ đồng, bằng 8,1% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch 662.566 tỷ đồng).

Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương

Thông qua công tác kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán 321 món chi với tổng số tiền 69,6 tỷ đồng, trong đó, có 279 món chi thường xuyên với số tiền 31,9 tỷ đồng và 42 món chi đầu tư với số tiền 37,7 tỷ đồng.

Để nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN, Bộ Tài chính đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát NSNN nhằm xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây lãng phí NSNN. Theo đó, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 13.348 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 186.834 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính trên 24.866 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp NSNN trên 5.610 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác trên 17.763 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 1.493 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp NSNN trên 4.959 tỷ đồng.

Nhiều giải pháp giúp thực hành tiết kiệm hiệu quả

Ngày 14/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết 53/NQ-CP (Nghị quyết 53) thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP).

Nghị quyết 53 đưa ra yêu cầu, từ năm 2023 phải thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Chú trọng xây dựng chính sách quốc gia về THTK, CLP trong từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực then chốt như tiết kiệm năng lượng, quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản.

Giảm khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ

Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào thực chất, một trong những giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra trong thời gian tới đây đó là đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức và thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ để thu hút được người có năng lực, trình độ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giảm khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác THTK, CLP…

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, tiếp tục phát huy những kết quả THTK, CLP trong 3 tháng đầu năm, cũng như để thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh thông tin, phổ biến pháp luật về THTK, CLP và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến THTK, CLP nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác THTK, CLP đối với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

Bộ Tài chính đã kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong THTK, CLP; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí. Tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công (TSC) và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC để từng bước cập nhật, quản lý thông tin của tất cả các TSC được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công tác quản trị, công nghệ, cơ cấu sản phẩm, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Khẩn trương thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 360/QĐ- TTg ngày 17/3/2022.