Nên thay đổi tư duy quản lý, chấp nhận thị trường vàng kỳ hạn
Theo các chuyên gia, cần bổ sung các quy định về loại hình vàng kỳ hạn nhằm đa dạng hóa các loại hàng hóa trên thị trường vàng. Ảnh tư liệu

Ông Ngô Trí Long: Vàng là tài sản quý giá, rất quen thuộc đối với người dân. Nhu cầu vàng của Việt Nam và việc sở hữu vàng của người dân Việt Nam rất cao trong dân số. Bên cạnh đó, hành vi dự trữ vàng của người Việt Nam thường có tính dài hạn.

Tuy nhiên ở góc độ kinh tế, hiện nay vàng không có vai trò quá quan trọng trong các hoạt động của nền kinh tế. Vì thế, dù giá vàng trên thế giới vừa qua có những thời điểm nhảy lên rất cao, tăng giá kỷ lục nhưng không gây ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ, do chúng ta đã thành công trong vấn đề triệt tiêu “vàng hóa” nền kinh tế trong nhiều năm nay.

PV: Theo ông, công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng hiện nay đã hợp lý chưa?

Ông Ngô Trí Long: Ở nước ta, từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng trong nước được quản lý bằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thay thế Nghị định 64/NĐ-CP sửa đổi bỏ sung Nghị định 174/1999/NĐ-CP.

Sau khi có Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cho phép các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng nhập khẩu vàng theo giấy phép như trước đây. Việc này đã góp phần bình ổn tỷ giá và hạn chế việc sản xuất vàng miếng thông qua nhập khẩu vàng để bán cho nhu cầu đầu tư và tích trữ vàng miếng của người dân như trước đây.

NHNN cũng không cho phép các ngân hàng thương mại huy động, cho vay vàng, sử dụng vàng làm tài sản có và đưa vào bảng cân đối tài sản. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đã thực hiện tốt các quy định của nhà nước về kinh doanh mua bán vàng miếng và đã tập trung phát triển sản xuất vàng trang sức - mỹ nghệ theo định hướng của NHNN.

Nhờ kiên định với mục tiêu chống “đô la hóa, vàng hóa” nền kinh tế, giá vàng không ảnh hưởng đến giá các loại hàng hóa khác, không ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên đã qua nhiều năm thực hiện, một số quy định của Nghị định 24 đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp và cần phải thay đổi.

PV: Những bất cập cụ thể đó là gì thưa ông?

Nên thay đổi tư duy quản lý, chấp nhận thị trường vàng kỳ hạn

Ông Ngô Trí Long: Từ góc độ nhà nước, Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Chính sách đóng cửa khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rất cao, đặc biệt là vàng miếng SJC. Trong điều kiện hội nhập, thị trường mở cửa, nhà nước không thể mãi thi hành chính sách đóng cửa với hàng hóa này.

Ở góc độ kinh doanh, các doanh nghiệp không bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Doanh nghiệp, tổ chức không có những công cụ bảo hiểm rủi ro trong đầu tư và sản xuất - kinh doanh. Một số doanh nghiệp vàng trang sức không vay được vốn ngân hàng, không có nguyên liệu sản xuất. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp vàng trong nước sụt giảm trong khi hàng trang sức từ nước ngoài mẫu mã đẹp, giá rẻ hơn dẫn đến các doanh nghiệp trong nước tụt hậu với thế giới, khó có thể cạnh tranh được và bắt buộc phải trở thành đại lý của các doanh nghiệp vàng nước ngoài.

PV: Vậy giải pháp cho thị trường vàng hiện nay là gì thưa ông?

Ông Ngô Trí Long: Chúng ta cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng, trước hết cần quán triệt các nguyên tắc quản lý thị trường vàng trong nền kinh tế thị trường. Việc khuyến khích thị trường vàng trang sức - mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh được xem là yếu tố cần thiết.

NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách, chỉ điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh ngoại hối, Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng. NHNN không nên tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo đó, NHNN nên “trả” vàng về cho thị trường, tức là để cho thị trường - các công ty kinh doanh vàng tự xuất và tự nhập, còn NHNN chỉ làm nhiệm vụ giám sát.

Một điểm nửa là chúng ta phải dần chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn. Việc này tạo cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thêm nhiều công cụ bảo hiểm rủi ro và hội nhập, tiếp cận được những sản phẩm tài chính thông dụng trên thị trường quốc tế.

Theo đó, chúng ta cần bổ sung các quy định về loại hình vàng kỳ hạn nhằm đa dạng hóa các loại hàng hóa trên thị trường vàng. Các sản phẩm lưu hành trên thị trường vàng cần được phát triển từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường và kiến thức của nhà đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thị trường vàng nên hiểu theo nghĩa rộng

Thị trường vàng nên hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả thị trường vàng vật chất và thị trường vàng kỳ hạn (vàng tài khoản). Tuy nhiên, thị trường vàng Việt Nam hiện nay mới là thị trường hiểu theo nghĩa hẹp, tức là chỉ được phép giao dịch các loại hàng hóa là vàng vật chất, còn vàng kỳ hạn thì không được phép thực hiện do không có quy định.

Chúng ta không nên lấy lý do là trình độ quản lý và kiến thức của người dân chưa đáp ứng được nên không cho phép, vì điều đó đi ngược với tiến trình phát triển của nền kinh tế đất nước trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.