Bộ Tài chính chung tay chống dịch - nghĩa cử hơn ngàn lời nói Bộ Tài chính thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Tài chính lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến thu ngân sách

Phát huy sáng kiến huy động mọi nguồn lực phòng, chống dịch

Phong trào thi đua nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể; tích cực tham gia có hiệu quả công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống đại dịch, vừa phấn đấu xây dựng, phát triển, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các chính sách tài chính, đến thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân.

Ngành Tài chính đề cao tinh thần thi đua, khuyến khích sáng tạo, phát huy sáng kiến huy động mọi nguồn lực, đề xuất các giải pháp và biện pháp trên mọi lĩnh vực để đẩy lùi dịch bệnh, hạn chế thiệt hại về người, tài sản; tổ chức phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, phù hợp, thiết thực nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tích cực chủ động tham gia phòng, chống dịch.

Ngành Tài chính đồng lòng thi đua chiến thắng dịch Covid-19
Ngành Tài chính đồng lòng thi đua chiến thắng dịch Covid-19. Ảnh: TL.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tổ chức hưởng ứng, triển khai các phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề, nội dung phù hợp, tạo động lực khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia thi đua đẩy lùi sự bùng phát của dịch bệnh, duy trì thực hiện tốt công tác tham mưu, tổng hợp, ban hành chính sách… của Bộ Tài chính.

Theo kế hoạch đề ra, ngành Tài chính sẽ triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt mạnh mẽ và hiệu quả các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát tốt hơn đại dịch Covid-19; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống đại dịch.

Đồng thời, toàn ngành thi đua phát huy sáng kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ổn định sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, xuất nhập khẩu… thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu quả công tác, huy động các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống đại dịch, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc phát động phong trào thi đua còn tập trung đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý. Thi đua xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin trong nước. Thi đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Thi đua với tinh thần “triệu trái tim, một ý chí”

Nhằm tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, với tinh thần “triệu trái tim, một ý chí”, theo kế hoạch đề ra, Bộ Tài chính đề nghị các tập thể, cá nhân phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt các giải pháp.

Trong đó, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động, phù hợp với các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 và những yêu cầu nghiêm ngặt trong phòng, chống đại dịch để nâng cao nhận thức, ý thức của mọi người; cổ vũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý thi đua chấp hành tốt các quy định của chính quyền địa phương nơi cư trú; phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn với tinh thần “mỗi người là một chiến sĩ’, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị là một pháo đài chống dịch”.

Tại kế hoạch này, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị căn cứ đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và đối tượng cụ thể phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực và khả năng cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, các đơn vị phát động, triển khai phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, thiết thực để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, quyết tâm cao hơn nữa trong hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận trong toàn ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành trong triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và cấp uỷ Đảng các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua của đơn vị mình; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong việc chỉ đạo phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua được triển khai rộng khắp trong toàn ngành, đạt hiệu quả. Mỗi cán bộ lãnh đạo, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua ở cơ sở, luôn gương mẫu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống đại dịch; tập trung phát hiện khen thưởng các tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý tham gia hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ công tác phòng, chống dịch và các tập thể, cá nhân có ý tưởng mới, sáng tạo tham gia tuyên truyền cổ vũ, động viên, trợ giúp hiệu quả công tác phòng, chống đại dịch...

Kế hoạch nêu rõ, căn cứ kế hoạch này và trên cơ sở nhiệm vụ được giao, thủ trưởng các đơn vị xây dựng kế hoạch, nội dung thi đua cụ thể, phối hợp với tổ chức Đảng, đoàn thể trong đơn vị thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid -19, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo đảm đời sống, sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý.

Việc ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua đặc biệt toàn ngành Tài chính cùng đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19 thể hiện quyết tâm cao của ngành Tài chính trong quyết tâm chống dịch, từ đó, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước đề ra trong năm 2021 và các năm tiếp theo./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)