Lượng tăng nhẹ, nhưng giá trị giảm mạnh

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2023 ngành thép có dấu hiệu khởi sắc khi xuất khẩu 973.549 tấn sắt thép, đạt 812 triệu USD, tăng lần lượt 11,4% và 18% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, dù lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tháng 4/2023 tăng 0,4% nhưng lại giảm 19% về trị giá.

Đáng chú ý, lũy kế 4 tháng đầu năm nay, nước ta xuất khẩu 3,25 triệu tấn sắt thép, trị giá đạt 2,52 tỷ USD, tăng 0,6% về lượng nhưng lại giảm tới 23,6% về trị giá.

Ngành Thép: Nhận diện khó khăn, tập trung nguồn lực tái cơ cấu để vượt qua khủng hoảng
Xuất khẩu thép tháng 4 đã khởi sắc so với tháng trước. Ảnh: Tố Uyên

Như vậy, mặc dù đã khởi sắc hơn so với tháng trước đó, nhưng nếu tính chung cả 4 tháng, giá trị xuất khẩu của thép giảm khá mạnh. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép trên thế giới có xu hướng yếu và không ổn định khiến xuất khẩu thép của nước ta bị ảnh hưởng.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa thông tin về việc Ma-rốc ban hành kết luận rà soát thuế tự vệ đối với thép cán nóng nhập khẩu. Theo đó, tại kết luận rà soát, Ma-rốc quyết định tiếp tục áp dụng thuế tự vệ đối với các sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu kể từ ngày 19/6/2023 đến ngày 18/6/2026. Mức thuế là 23%, giảm 1% mỗi năm tiếp theo.

Về thị trường, 4 tháng đầu năm 2023, nước ta xuất khẩu sắt thép sang 30 thị trường. Trong đó, Italy là thị trường xuất khẩu lớn nhất về lượng và trị giá với 482.970 tấn, đạt 350 triệu USD, tăng lần lượt 70% và 12% so với cùng kỳ năm 2022. Kế tiếp là thị trường Campuchia với 388.704 tấn và 274 triệu USD, giảm 17% và 30%; tiếp đến là Malaysia với 315.234 tấn, đạt 220 triệu USD, tăng 30% và giảm 4%....

Đáng chú ý, trong 30 thị trường xuất khẩu chính, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường có mức tăng trưởng lớn nhất cả về lượng và trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2022 với lần lượt gấp 302 lần về lượng và 66 lần về trị giá. Một số thị trường khác như Ấn Độ, Bangladesh, Brazil, UAE, Pakistan, Argentina đều có mức tăng trưởng ấn tượng về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022, song đa số các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Việt Nam.

Bên cạnh những thị trường tăng trưởng, xuất khẩu thép nước ta cũng ghi nhận sự sụt giảm 2 con số từ các thị trường lớn như Bỉ với -55%, Hàn Quốc với -22%, Mỹ với -47%, Tây Ban Nha với -30%. Chính các yếu tố trên đã dẫn tới sự sụt giảm chung của toàn ngành về trị giá xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023.

Tái cơ cấu, kiểm soát rủi ro để vượt qua "cơn bão ngành thép"

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, ngành thép tiếp tục phải đối diện với rủi ro khi thị trường bất động sản đóng băng, các dự án bất động sản lớn đều triển khai rất hạn chế. Ngành thép sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng về lượng xuất khẩu cũng như giá trị.

Trong khi đó, từ tháng 1/2023, Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, các nhà sản xuất thép nước này đã và đang tích cực gia tăng tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu để bù đắp cho sự suy giảm sản lượng nội địa khi chính thị trường bất động sản Trung Quốc cũng trong tình trạng đóng băng từ 2021 đến nay. Đây là đối thủ có sức cạnh tranh lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu thép nước ta.

Ngành Thép: Nhận diện khó khăn,  tập trung nguồn lực tái cơ cấu để vượt qua khủng hoảng

Ngành thép hy vọng vào “lực kéo” từ đầu tư công. Ảnh: TL

Mặt khác, tại thị trường Mỹ, EU - tiêu thụ 3% tổng lượng thép của Việt Nam, sản lượng xuất khẩu dự kiến tiếp tục thấp trong bối cảnh kinh tế các khu vực này đều ghi nhận suy yếu, đặc biệt là EU chưa cho thấy tín hiệu kiểm soát được lạm phát.

Tại thị trường ASEAN - tiêu thụ khoảng 10% tổng lượng thép của Việt Nam, trong năm năm 2023 ngoại trừ Indonesia là điểm sáng, các nước như Thái Lan hay Singapore đều chứng kiến hoạt động xây dựng bị chậm lại. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực ASEAN dự kiến tăng trưởng chậm hoặc đi ngang.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 235/QĐ-TTg thành lập 5 tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt lưu ý trường hợp bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Đây được nhận định là cơ hội phục hồi sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp thép.

Trước tình hình đó, VSA dự báo, sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam sẽ có thể giảm về mức 5,07 triệu tấn (giảm 16%) trong 2023 và hồi phục lên 5,512 triệu tấn tăng 10% trong 2024.

Tuy nhiên, “cửa sáng” của ngành thép vẫn còn tại thị trường nội địa với nhiều yếu tố tích cực. Trong đó, chúng ta kỳ vọng vào việc giải ngân đầu tư công sẽ bù đắp một phần sự suy giảm của thị trường bất động sản. Ngân sách dành cho đầu tư công trong năm 2023 tăng cao nhất trong lịch sử, ước chi 704 nghìn tỷ, với tỷ lệ giải ngân mục tiêu từ chính phủ là 95%. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ sắt thép được kỳ vọng sẽ cải thiện, hỗ trợ cho sự tăng trưởng doanh nghiệp ngành thép.

Hơn thế nữa, nhiều chuyên gia cho rằng, để trụ vững trong khủng hoảng, doanh nghiệp thép cần tái cơ cấu lại từ quản trị cho đến thị trường, mặt hàng...

Cụ thể, các doanh nghiệp ngành thép cần bám sát thị trường, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất, giảm chi phí và cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện công tác quản trị; thiết lập các chuỗi giá trị để mở rộng không gian xuất khẩu, tìm kiếm có chọn lọc các thị trường xuất khẩu vừa tiềm năng, vừa an toàn; phân tán rủi ro phòng vệ thương mại ở một số thị trường trong bối cảnh các nước đang có xu hướng áp thuế tự vệ rất khắt khe với mặt hàng thép, như Mỹ, Canada, Ma-rốc…

Về việc cơ cấu lại mặt hàng một cách linh hoạt, phù hợp có thể kể đến một trường hợp điển hình là Tập đoàn thép Hòa Phát – trước bối cảnh thời gian qua, doanh nghiệp này hướng đến chuyển mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo cho ngành đóng tàu, ô tô. Và rõ ràng, chiến lược chuyển đổi sẽ giúp đầu ra của Hòa Phát gắn liền với các hoạt động sản xuất hàng hoá hơn, giảm sự phụ thuộc từ các ngành có tính chu kỳ cao như bất động sản.

Đặc biệt, đại diện VSA khuyến nghị doanh nghiệp ngành thép, trong thời gian tới cần hết sức thận trọng trong chiến lược sản xuất – kinh doanh, ưu tiên việc kiểm soát rủi ro và cần phải tiếp tục linh hoạt trong điều hành để hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; cân đối giữa duy trì sản lượng và mục tiêu lợi nhuận trong từng thời điểm để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả./.