Đây là thông tin được Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú cho biết tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, chiều ngày 9/8.

Bà Tú cho biết, công tác chuẩn bị về hạ tầng và phần mềm đã hoàn thành trước ngày 5/8/1016; công tác đào tạo và cấp tài khoản cho cán bộ, công chức tham gia sử dụng phần mềm là từ 13 giờ 30, các ngày 3,4,5 tháng 8/2016. Vận hành thử: từ 6/8/2016 -10/8/2016. Vận hành chính thức là ngày 10/8/2016.

Theo đó, sẽ triển khai tại 144 phường thuộc 10 quận, gồm: 18 phường trực thuộc UBND quận Hoàn Kiếm; 20 phường trực thuộc UBND quận Hai Bà Trưng; 21 phường trực thuộc UBND quận Đống Đa; 14 phường trực thuộc UBND quận Ba Đình; 8 phường trực thuộc UBND quận cầu Giấy; 8 phường trực thuộc UBND quận Tây Hồ; 14 phường trực thuộc UBND quận Hoàng Mai.

Bà Tú cũng cho biết, sẽ triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến với 7 loại hình dịch vụ liên quan đến việc đăng ký khai sinh, khai tử. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho phép người dân sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân...

Được biết, trước khi triển khai nhân rộng mô hình, Hà Nội đã chọn hai quận Long Biên, Nam Từ Liêm triển khai thí điểm ở cấp phường, trước tiên là cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực tư pháp, liên thông thủ tục hành chính với công an và BHXH. Sau khi thí điểm, Sở TT&TT đã khẳng định đủ điều kiện chính thức công bố để người dân khai thác sử dụng tại hai quận.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc liệu hệ thống mạng có thể đảm bảo không bị hacker tấn công, bà Tú cho biết, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của TP. Hà Nội sử dụng hệ thống mạng riêng, mã độc khó có thể tấn công.

“Hệ thống này được xây dựng trên hạ tầng công nghệ đồng bộ dùng riêng, không kết nối mạng internet và có cơ chế giám sát bảo mật nghiêm ngặt từ các chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu của thành phố”, bà Tú cho biết thêm./.

Hồng Chi