![]() |
Giá dầu thô tiếp đà giảm nhẹ trong phiên giao dịch sáng ngày 12/9. Ảnh: T.L |
Giá dầu thô WTI giảm 0,02% xuống 87,3 USD/thùng
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,02% xuống 87,3 USD/thùng vào lúc 5h57 ngày 12/9 (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 11 giảm 0,02% xuống 90,63 USD/thùng.
Giá dầu thô hầu như không đổi trong phiên giao dịch ngày 11/9, với dầu thô Brent neo trên 90 USD/thùng xác lập vào tuần trước và cũng là lần đầu tiên trong 10 tháng sau đợt giảm sản lượng mới của Arab Saudi và Nga.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 1 US cent xuống 90,64 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 22 US cent xuống 87,29 USD.
Giá gas giảm 0,04% xuống mức 2,61 USD/mmBTU
Mở cửa phiên giao dịch sáng 12/9, giá gas tại thị trường thế giới đã giảm 0,04% xuống mức 2,61 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 10/2023.
Nga đã thắt chặt quan hệ về năng lượng với Trung Quốc, quá trình này càng tăng tốc sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra. Trung Quốc trở thành khách hàng quan trọng đối với Gazprom khi tập đoàn này hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu, các quốc gia từng là thị trường lớn nhất của "ông lớn" khí đốt này.
Nga dự kiến sẽ bán khí đốt tự nhiên qua đường ống cho Trung Quốc với giá bằng khoảng một nửa so với châu Âu trong 3 năm tới. Giá khí đốt ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt trung bình 271,6 USD/1.000 m3 vào năm 2024, chỉ bằng hơn 1/2 so với mức trung bình 481,7 USD của khách hàng ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với thị trường châu Âu, tỷ lệ hợp đồng liên quan đến giá giao ngay và giá kỳ hạn đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, với mức giá đạt kỷ lục vào năm 2022 trong bối cảnh châu Âu đang rơi vào khủng hoảng năng lượng. Bước sang năm 2023, giá năng lượng đã giảm đều đặn, trong khi mức dự trữ khí đốt của châu lục này đạt 90% công suất trước mục tiêu (tháng 11) tới 3 tháng và thậm chí có thể đạt 100% vào tháng 9 này.
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm nhẹ do nhu cầu ảm đạm, ngay cả khi mối lo ngại về nguồn cung ngày càng sâu sắc sau khi công nhân tại các dự án LNG của Chevron tại Australia đình công vào ngày 8/9.
Theo các thương nhân châu Âu, khả năng xảy ra sự gián đoạn nguồn cung đáng kể như vậy là nguyên nhân chính thúc đẩy giá LNG Đại Tây Dương./.