Ngày 15/11, tại Hà Nội, Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) tổ chức hội thảo khoa học “Chính sách và quản lý thuế, hải quan, logistics”.

Quản lý thuế đối với kinh tế chia sẻ còn nhiều khó khăn

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế - Hải quan cho biết, quản lý thuế là lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong quản lý tài chính nhà nước, bởi lẽ thuế nội địa và thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hai lĩnh vực chủ yếu của thu ngân sách nhà nước (NSNN). Quản lý thuế không chỉ đảm bảo nguồn thu để Nhà nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, mà còn có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).

Nghiên cứu hoàn thiện chính sách về quản lý thuế, hải quan trong điều kiện kinh tế số
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Quản lý thuế tốt giúp giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế (NNT), tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; đồng thời, đảm bảo phát huy vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế của thuế.

Khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền thanh toán

TS. Nguyễn Thị Minh Hằng cho biết, khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền thanh toán, trong mô hình KTCS phát sinh giao dịch giữa nhà cung cấp với người mua là khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy, các nhà cung cấp có thể bán hàng (cung cấp dịch vụ) nhưng không xuất hóa đơn, hoặc người mua thanh toán bằng tiền mặt thì cơ quan thuế rất khó xác định đúng doanh thu tính thuế, từ đó làm xói mòn cơ sở thuế, làm thất thu NSNN.

Bên cạnh đó, một trong những lĩnh vực hoạt động kinh tế rất quan trọng là logistics, chiếm một tỷ lệ khá lớn trong GDP. Điều này cho thấy, nghiên cứu về chính sách thuế, hải quan và logistics cũng như công tác quản lý đối với những lĩnh vực này có ý nghĩa rất quan trọng.

Tham luận về quản lý thuế đối với kinh tế chia sẻ (KTCS) ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Minh Hằng - Khoa Thuế - Hải quan cho hay, trong 15 khu vực dịch vụ phổ biến trên thế giới có mô hình KTCS, ở Việt Nam đã xuất hiện 12 khu vực, trong đó tập trung vào bốn lĩnh vực: vận chuyển hành khách với chia sẻ phương tiện giao thông như Grab, Be hay Gojek; du lịch với dịch vụ lưu trú như Airbnb hay Luxstay; tài chính với dịch vụ cho vay ngang hàng như các nền tảng Fiin.vn hay Tima; lao động với dịch vụ chia sẻ kỹ năng, sức lao động hoặc không gian làm việc chung như bTaskee hay Designcrowd.

Tuy nhiên, với những đặc trưng của nền kinh tế số, công tác quản lý thuế đối với mô hình KTCS tại Việt Nam gặp phải một số khó khăn trong việc xác định chủ thể kinh doanh, xác định bản chất kinh tế của giao dịch, xác định doanh thu tính thuế, xác định quyền đánh thuế trên môi trường số...

Nghiên cứu hoàn thiện chính sách về quản lý thuế, hải quan trong điều kiện kinh tế số
PGS.TS Lê Văn Ái - nguyên Phó Giám đốc Học viện Tài chính, phát biểu tại hội thảo.

Giải pháp quản lý thuế đối với kinh tế chia sẻ

Khuyến nghị giải pháp quản lý thuế đối với kinh tế chia sẻ, TS. Nguyễn Thị Minh Hằng cho rằng, trước hết cần hoàn thiện hành lang pháp lý về thuế, quản lý thuế liên quan đến mô hình KTCS, để quản lý hoạt động của DN trung gian kết nối, cần quy định DN trung gian phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, không nhất thiết phải có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhưng cần có tài khoản mở tại một ngân hàng thương mại được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. DN trung gian này là một chủ thể có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đối với người sử dụng dịch vụ ở Việt Nam với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam.

Thứ hai, tăng cường thu thập thông tin NNT có hoạt động trong KTCS; thứ ba nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế, đối chiếu thông tin các giao dịch trong mô hình KTCS; thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý thuế đối với KTCS; thứ năm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế và tạo thuận lợi cho NNT trong mô hình KTCS thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế.

Nghiên cứu hoàn thiện chính sách về quản lý thuế, hải quan trong điều kiện kinh tế số
TS. Nguyễn Thị Minh Hằng - Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) tham luận tại hội thảo.

Còn theo PGS.TS Lê Văn Ái - nguyên Phó Giám đốc Học viện Tài chính, để đổi mới công tác quản lý thuế đối với kinh doanh theo mô hình KTCS thời gian tới. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý kinh doanh theo mô hình KTCS từ luật, nghị định, thông tư nhằm một mặt khuyến khích phát triển các loại hình kinh doanh theo mô hình KTCS phục vụ cho phát triển kinh tế, mặt khác tạo cơ sở cho công tác quản lý thuế.

Đổi mới công tác quản lý thuế, triệt để áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác quản lý thuế đối với các loại hình kinh doanh theo mô hình KTCS; xây dựng cơ chế phối hợp, kết nối giữa cơ quan quản lý thuế với các đơn vị liên quan từ trung ương đến địa phương trong việc cung cấp và xử lý thông tin đối với hoạt động kinh doanh theo mô hình KTCS. Có thông tin và biết cách xử lý thông tin là yếu tố cơ bản để quản lý thu thuế phù hợp có hiệu quả.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra sử lý các vi phạm về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với tổ chức, các nhân hoạt động kinh doanh theo mô hình KTCS; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn thuế bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau đến các chủ thể kinh doanh theo mô hình KTCS.

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận các đề xuất nhằm cụ thể hóa Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được ban hành theo quyết định số 508/QĐ-TTg và Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2030 đã được ban hành theo quyết định số 628/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Định hướng và các giải pháp hoàn thiện các chính sách thuế nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và góp phần tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Chính sách và quản lý thuế, hải quan trong điều kiện kinh tế số, kinh tế chia sẻ… Phát triển dịch vụ logistics trong điều kiện toàn cầu hóa và kinh tế số; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam.