Những ưu đãi đối với thuế thu nhập doanh nghiệp

Liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế cho biết, bên cạnh việc gia hạn tạm nộp thuế quý I và quý II/2021, doanh nghiệp còn được hưởng nhiều chính sách khác như: giảm thuế phải nộp cả năm, trừ chi phí các khoản chi liên quan đến phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ quốc hội, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có giải pháp giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế năm 2021 đối với các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng và bị giảm sút so với thời điểm năm 2019.

“Để thực hiện quy định này, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ điều kiện áp dụng được quy định chi tiết tại Nghị định 92/2021/NĐ-CP, đặc biệt là việc xác định điều kiện về doanh thu trong kỳ tính thuế được giảm thuế” - bà Hải lưu ý.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân

Ngoài quy định giảm thuế, tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ cho phép tính vào chi phí được trừ trong kỳ tính thuế năm 2020, 2021 đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ theo quy định (tại nghị định) như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung... “Người nộp thuế cần lưu ý chuẩn bị các thủ tục hồ sơ theo quy định tại nghị định để đảm bảo khoản chi hỗ trợ này được trừ chi phí như: văn bản xác nhận tài trợ có chữ ký, dấu của hai bên; hóa đơn, chứng từ hợp pháp” - bà Hải nói.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định mới, các doanh nghiệp có phát sinh một số khoản chi phí liên quan đến chống dịch cũng được tính trừ chi phí tính thuế như: chi phí cách ly y tế do dịch Covid-19 ở trong nước và tại nước ngoài đối với trường hợp đi công tác tại nước ngoài; các khoản chi phí xét nghiệm Covid-19, hoặc mua kit xét nghiệm Covid-19 cho người lao động…

“Bên cạnh các quy định nêu trên, năm 2021 còn có hai văn bản mới được ban hành về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đó là Nghị định số 57/2021/NĐ-CP của Chính phủ áp dụng hồi tố đối với các dự án được thực hiện trước ngày 1/1/2015 quy định về ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư; Thông tư số 71/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về ưu đãi thuế TNDN đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa” - bà Hải chia sẻ.

Kê khai mức giảm trừ gia cảnh khi nộp thuế thu nhập cá nhân

Đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Để được tính giảm trừ cho người phụ thuộc, người nộp thuế phải thực hiện đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc theo quy định. Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế, thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Trường hợp người nộp thuế thuộc diện ủy quyền quyết toán, chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì cũng được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng, khi người nộp thuế thực hiện quyết toán ủy quyền và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc thông qua tổ chức trả thu nhập.

Người lao động làm việc tại đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh, được trả thu nhập từ tiền lương, tiền công từ trụ sở chính khác tỉnh, thì có thể đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính, hoặc đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh. Trường hợp người lao động đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tại đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh, thì đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có trách nhiệm chuyển hồ sơ chứng minh người phụ thuộc của người lao động về trụ sở chính. Trụ sở chính có trách nhiệm rà soát, lưu giữ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo quy định và xuất trình khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra thuế.

Trường hợp cá nhân thay đổi nơi làm việc, thì vẫn phải thực hiện việc đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo hướng dẫn tại tiết h.2.1.1.1, điểm h, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.

Hồ sơ giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

Đối với cá nhân nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc trực tiếp tại cơ quan thuế, hồ sơ bao gồm: bản đăng ký người phụ thuộc theo mẫu, hồ sơ chứng minh người phụ thuộc, trường hợp người phụ thuộc do người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng phải lấy xác nhận của UBND xã, phường nơi người phụ thuộc cư trú.

Trường hợp cá nhân đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập thì cá nhân nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc theo hướng dẫn. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập tổng hợp theo Phụ lục Bảng tổng hợp đăng ký người phụ thuộc cho người giảm trừ gia cảnh mẫu số 07/THĐK-NPT-TNCN.

* Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam:

Doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo kiểu gia đình cần lưu ý

Người nộp thuế nên tìm hiểu kỹ các chính sách hỗ trợ

Có một nội dung doanh nghiệp (DN) cần lưu ý khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2021. Đó là, theo quy định của Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, các DN có quan hệ giao dịch liên kết phải nộp các tờ khai liên quan khi thực hiện quyết toán thuế TNDN. Tuy nhiên, hiện nay một số DN, đặc biệt là DN Việt Nam có quan hệ giao dịch liên kết theo kiểu gia đình, nhưng chưa biết phải nộp tờ khai thuế.

Một quy định khác, đó là các DN có giao dịch liên kết chỉ được tính chi phí lãi vay không vượt quá 30% lợi nhuận thuần, nếu vượt quá thì phải chuyển sang kỳ sau. Những nội dung này hầu hết các DN của Việt Nam, nhất là các DN nhỏ, DN siêu nhỏ có quan hệ liên kết theo kiểu gia đình đang rất thờ ơ. Vì thế, các DN cần chú ý để khi khai thuế phải nộp tờ khai tính toán tỷ lệ lãi vay, cũng như các biểu mẫu xác định các thông tin về giao dịch liên kết để tránh rủi ro trong quyết toán thuế.

* Ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng:

Giải quyết hồ sơ quyết toán thuế nhanh gọn, kịp thời

Xác định yêu cầu công tác quyết toán thuế phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, cơ quan thuế phải hướng dẫn người nộp thuế tận tình, đúng mẫu biểu; thời gian quyết toán thuế phải đúng theo quy định; mọi thủ tục được giải quyết nhanh gọn, kịp thời, tiết kiệm thời gian.

Người nộp thuế nên tìm hiểu kỹ các chính sách hỗ trợ

Cục Thuế TP. Hải Phòng đã tổ chức đối thoại, giải đáp vướng mắc quyết toán thuế năm 2021 trên Cổng thông tin điện tử của cục thuế. Đồng thời, đơn vị đã xây dựng các nội dung hỗ trợ, clip hướng dẫn quyết toán thuế đăng tải trên trang thông tin điện tử của đơn vị, qua zalo; gửi email hướng dẫn quyết toán thuế cho người nộp thuế; phối hợp với Mobiphone Hải Phòng gửi tin nhắn tới doanh nghiệp và người nộp thuế về các quy định mới áp dụng cho kỳ quyết toán thuế năm 2021; bố trí cán bộ, công chức có năng lực, kinh nghiệm để hỗ trợ, tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của người nộp thuế tại bộ phận một cửa.

Công tác quyết toán thuế năm 2021 có điểm khác so với các năm trước là các biểu mẫu có sự thay đổi. Do đó, Cục Thuế TP. Hải Phòng đã tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến những điểm mới cần lưu ý khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân năm 2021 theo đúng quy định.

* Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó cục trưởng Cục thuế TP. Hà Nội:

Tiếp nhận 90% hồ sơ quyết toán thuế của cá nhân gửi qua mạng

Kỳ quyết toán thuế năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, các ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn Thủ đô tăng mạnh. Công tác quyết toán thuế phải đảm bảo vừa phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện thủ tục quyết toán thuế được Cục Thuế TP. Hà Nội ưu tiên hàng đầu.

Người nộp thuế nên tìm hiểu kỹ các chính sách hỗ trợ

Theo thống kê, tổng số cá nhân đã được cấp tài khoản giao dịch điện tử năm 2021 của cục thuế là 19.337 tài khoản, số người nộp thuế hồ sơ nộp qua phương thức điện tử chiếm trên 65% số lượng người nộp thuế đã nộp hồ sơ đến Cục Thuế TP. Hà Nội. Con số này đã thể hiện sự nỗ lực của cục thuế trong cải cách thủ tục hành chính. Năm 2022, mục tiêu của Cục Thuế TP. Hà Nội là phấn đấu số lượng hồ sơ quyết toán thuế của cá nhân gửi đến cơ quan thuế theo phương thức điện tử đạt trên 90%.

Để đạt được mục tiêu trên, cục thuế đã chỉ đạo triển khai tháng “Đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện quyết toán thuế năm 2021”, trong đó nhấn mạnh việc triển khai cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử cho cá nhân. Việc nộp hồ sơ qua phương thức điện tử giúp người nộp thuế không phải đi lại, nhất là trong thời gian dịch bệnh phức tạp; tiết kiệm thời gian; thông tin được cập nhật tự động thông qua hồ sơ điện tử, tránh sai sót.

* Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội:

Đổi mới phương pháp tuyên truyền, hỗ trợ mang lại hiệu quả cao

Người nộp thuế nên tìm hiểu kỹ các chính sách hỗ trợ

Khi tham gia đối thoại trực tuyến, cơ quan thuế đã truyền tải một cách nhanh chóng các chính sách thuế liên quan. Những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp được giải đáp một cách kịp thời, cụ thể. Chúng tôi mong muốn cơ quan thuế tiếp tục lắng nghe, kiến nghị lên các cấp, các ngành có nhiều giải pháp kịp thời hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân trong chính sách thuế, giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó đóng góp vào ngân sách của Nhà nước.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Tổng cục Thuế cũng như Cục Thuế TP. Hà Nội đã chuyển hướng từ hỗ trợ trực tiếp sang tổ chức hội nghị hỗ trợ trực tuyến. Cách làm này được cộng đồng doanh nghiệp, cũng như cá nhân người nộp thuế đánh giá cao. Việc tổ chức thành công hội nghị đối thoại cho thấy ngành Thuế luôn luôn đổi mới, không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, chất lượng hỗ trợ người nộp thuế, hướng tới xây dựng hình ảnh cơ quan Thuế ngày càng thân thiện với phương châm “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”.