Bước ngoặt lớn hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển
Khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều thương hiệu mạnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu

Nâng khu vực kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất

Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.

Các chuyên gia cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị là bước ngoặt lớn trong quá trình thể chế hóa vai trò của kinh tế tư nhân, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển, để trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 68-NQ/TW thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hiện nay. Theo đó, tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ. Đáng chú ý, kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao...

Đánh giá về điểm mới khác biệt tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, Nghị quyết là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân. Sau khoảng 8 năm kể từ Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về kinh tế tư nhân ra đời, Nghị quyết lần này đã nâng khu vực kinh tế tư nhân lên vị thế "động lực quan trọng nhất của nền kinh tế".

Theo TS. Mạc Quốc Anh, thông điệp "song hành xanh - số" tại Nghị quyết số 68-NQ/TW còn khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Việt Nam đặt mục tiêu đưa trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á. Những điểm này không chỉ củng cố niềm tin thị trường mà còn đặt doanh nghiệp tư nhân vào tâm thế là đối tượng được bảo hộ, đồng thời là lực lượng phải dẫn đầu đổi mới.

Ưu tiên cải cách thể chế kinh doanh theo hướng thực chất

TS. Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, điều đáng chú ý nhất trong Nghị quyết số 68-NQ/TW là cam kết bảo đảm quyền tiếp cận nguồn lực và cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Hơn 82% lao động làm việc trong khu vực tư nhân, nhưng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải dựa vào tài sản thế chấp để vay vốn. Chính vì vậy, việc tháo gỡ các rào cản về đất đai, tín dụng, dữ liệu và nhân lực chất lượng cao được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi nhất.

Còn theo TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Nghị quyết lần này có nhiều nội dung mang tính đột phá. Trong đó, cho phép địa phương sử dụng ngân sách để hỗ trợ đầu tư hạ tầng - điều này không chỉ là sự cho phép, mà còn là sự phân quyền. Đây là một bước đi quan trọng, mở ra cơ chế giúp các địa phương chủ động phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ.

Cụm công nghiệp là môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức sản xuất kinh doanh một cách lâu dài và bền vững. Nghị quyết cũng nêu rõ yêu cầu cần có quỹ đất tối thiểu cho mỗi cụm công nghiệp, điều này đảm bảo không gian phát triển cho các doanh nghiệp.

Một điểm đột phá nữa được nêu trong Nghị quyết đó là chính sách ưu đãi: giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu cho doanh nghiệp. Chính sách này sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các khu, cụm công nghiệp - nơi có hạ tầng tốt hơn, thay vì sản xuất tự phát trong khu dân cư như hiện nay, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và an toàn.

TS. Tô Hoài Nam cho rằng, để Nghị quyết số 68-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống, điều quan trọng là phải thể chế hóa các nội dung này thành quy định pháp luật cụ thể. Khi thể chế được ban hành, các chính sách cần phải có tính phân tầng, phù hợp với quy mô và đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp.

Dù Nghị quyết số 68-NQ/TW ra đời sau Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đã thể hiện sự nhất quán trong chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào nền kinh tế.

“Chính phủ sớm cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 68-NQ/TW thành một chương trình hành động rõ ràng, có lộ trình. Trong đó, cần tăng cường vai trò của các hiệp hội trong cả quá trình xây dựng và thực thi chính sách. Đồng thời, nên ưu tiên cải cách thể chế kinh doanh theo hướng thực chất để cải thiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển…” - TS. Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Thể chế nên quy định bắt buộc thay vì chỉ “cho phép”

Khá thẳng thắn, TS. Tô Hoài Nam kiến nghị, mặc dù Nghị quyết số 68-NQ/TW đã cho phép các địa phương ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đối với những mục tiêu như tín dụng, đất đai và mặt bằng sản xuất thì thể chế nên quy định bắt buộc thay vì chỉ “cho phép”. Bởi "cho phép" chỉ là trao quyền, tức là địa phương có thể làm hoặc không làm. Nếu quy định là bắt buộc như yêu cầu dành tối thiểu 30% quỹ đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khi đó, địa phương sẽ phải dựa vào quỹ đất thực tế để xây dựng kế hoạch cụ thể.

Việc bắt buộc này sẽ giúp đảm bảo quy trình, cơ chế rõ ràng hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các nguồn lực một cách minh bạch. Các quy định bắt buộc cũng sẽ là cơ sở để thiết kế các chương trình và hướng dẫn cụ thể, qua đó tránh được tình trạng “xin - cho”, vốn là rào cản lớn trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng.

Khi xây dựng chính sách để cụ thể hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW, cần đặc biệt chú ý đến khả năng hấp thụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đây vẫn là điểm hạn chế hiện nay. Vì vậy, cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ để các doanh nghiệp này có thể hiểu và thực hiện tốt các chính sách.

Đồng thời, cần hỗ trợ phát triển các khu sản xuất chung, vườn ươm doanh nghiệp với quy mô nhỏ và vừa, cũng như tăng cường hỗ trợ pháp lý và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp…