nguyễn thị quyết tâm

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm: Phải đánh giá trên hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy để tính toán, chứ không phải vấn đề tiền. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ (Luật TCCP) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật Tổ chức CQĐP).

Sửa luật phải sát thực tiễn, tránh chủ quan duy ý chí

Thảo luận về dự án 2 luật này, các ĐBQH tán thành đề nghị của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCCP và Luật Tổ chức CQĐP và dùng một luật để sửa hai luật là phù hợp. Dự án luật đã tập trung vào sửa đổi, bổ sung các vấn đề về: tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, cần thiết phải sửa luật bởi qua thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, ĐB cho rằng, Luật TCCP cần xem xét các quy định để đảm bảo mục tiêu Chính phủ kiến tạo và phát triển.

Đồng ý với một số nội dung trong dự thảo, tuy nhiên ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm - cựu Chủ tịch HĐND TP. HCM cho rằng, việc sửa luật phải đánh giá một cách toàn diện, khách quan, sát với thực tiễn, yêu cầu đề ra, tránh chủ quan, duy ý chí.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, Luật TCCP sửa đổi không nhiều, chỉ sửa 5 điều, các nội dung sửa đổi tập trung vào việc bổ sung một số thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ. “Tuy sửa không nhiều nhưng các nội dung lại tập trung theo hướng chủ yếu giao Chính phủ quy định với tổng cộng 4 nội dung lớn, trong đó có 20 nội dung nhỏ liệt kê, như quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, quy định tiêu chí thành lập tổng cục, cục, vụ; số lượng biên chế tối thiểu…” - ĐB Nguyễn Mạnh Cường nói.

ĐB đặt câu hỏi: Quy định như vậy có bất cập, cần phải làm rõ những nội dung được giao cho Chính phủ quy định có phải là nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quy định đương nhiên của Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không, hay đây thuộc thẩm quyền do QH ủy quyền cho Chính phủ quy định?

ĐB Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, có nội dung trước đây đã được QH quy định thì nay được bãi bỏ để giao Chính phủ quy định. Cụ thể, đó là quy định số lượng cấp phó cấp vụ không được quá 3 người, tổng cục không quá 4 người. “Như vậy số lượng cấp phó này không được khống chế cho đến khi có nghị định của Chính phủ và không rõ số lượng này có được tăng lên hay giảm đi, trong khi đó, đây là nội dung QH khóa XIII đã thảo luận kỹ, nhằm khắc phục tình trạng quá nhiều cấp phó ở các cơ quan trung ương. Việc bỏ quy định này, cũng chưa được tổng kết, đánh giá trên thực tiễn” - ĐB Nguyễn Mạnh Cường phân tích thêm.

Do đó, theo ĐB, việc xây dựng luật khung là một bước lùi của dự thảo. ĐB cũng trích dẫn lời của cử tri cho rằng, luật được ban hành nhưng Chính phủ không ban hành nghị định thì “luật sẽ chết ngay”. Theo ĐB: “Có lẽ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật rằng, các văn bản pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản có hiệu lực thi hành được ngay, vẫn còn là một ước mơ lâu dài” - ĐB Nguyễn Mạnh Cường nói.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng đã bổ sung khoản 10 quy định thẩm quyền của Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi quyền hạn của Chính phủ khi pháp luật chưa quy định hoặc quy định không còn phù hợp. Theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường, việc thực hiện thí điểm các mô hình mới, là rất cần thiết, các nghị quyết của Đảng cũng đề ra yêu cầu đó. Tuy nhiên, cần xem xét, cân nhắc các thẩm quyền quyết định việc thí điểm và nội hàm của thí điểm.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, thí điểm mô hình mới là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay, một số địa phương đã thực hiện sáp nhập một số đơn vị trên địa bàn thành mô hình hoạt động mới, tuy nhiên, cần phải đảm bảo vận thành theo đúng quy định của pháp luật.

“Đừng đánh mất vai trò của cơ quan dân cử”

Về giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức CQĐP, ĐB Nguyễn Tạo đồng tình với báo cáo thẩm tra của dự thảo luật. Theo tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đề nghị giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người. Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH, việc giữ nguyên số lượng phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh là nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của các ban của HĐND cấp tỉnh.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường đặt câu hỏi, liệu đây có phải là vấn đề bức xúc nhất trong những hạn chế về tổ chức bộ máy của chúng ta hay chưa và liệu nó có tác dụng hay không? Còn ĐB Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ xem xét “có hay không giảm số lượng một cách toàn diện, khoa học, không nên làm luật theo cảm tính”.

Cũng quan tâm về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, hai nội dung quan trọng trong lần sửa đổi này của Luật Tổ chức CQĐP là cơ chế ủy quyền và vấn đề tổ chức bộ máy. Khi đặt ra vấn đề này, cần xem năng lực, bộ máy ở địa phương có thể làm gì; phân định, phân công ra để làm tốt công việc, chứ không phải “tranh giành” lẫn nhau, cơ quan này làm việc này, cơ quan kia làm việc kia.

Liên quan đến số lượng đại biểu HĐND, cựu Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh đồng ý trong chừng mực nào đó cần phải xem xét giảm số lượng ĐB cho hợp lý. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, không nên chỉ nhìn vào việc, giảm một ĐB thì giảm bao nhiêu kinh phí.

Theo nữ ĐB, điều quan trọng là phải xem các ĐB này có làm đúng vai trò của người đại diện cho dân hay không và cần xem xét trên tinh thần khách quan, đừng vì yếu tố nào đó mà chúng ta đánh mất đi vai trò, vị trí của cơ quan dân cử.

Đồng quan điểm, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, đi kèm với tinh giản biên chế, nhưng phải gắn với nâng cao chất lượng hoạt động. “Giảm số lượng có làm giảm chất lượng hoạt động của bộ máy không? Phải đánh giá cho được hiệu quả hoạt động thế nào, giảm có hiệu quả khi giảm số lượng không” - ĐB nêu.

Theo ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), việc xem xét số lượng các chức danh nêu trên phải xem xét cho phù hợp với Hiến pháp hiện hành. Theo ĐB, vấn đề số lượng ĐB, số lượng các ban và phó chủ tịch HĐND sẽ tùy theo yêu cầu của từng thời kỳ, vì thế không nên quy định cứng nhắc trong luật, để sau này phải sửa luật./.

Minh Anh