Đã có hành lang pháp lý cho hai dòng vốn ‘‘xanh’’

Liên quan đến vấn đề phát triển bền vững, theo ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN), năm 2021, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Các chuyên gia chia sẻ về cách thức tiếp cận các nguồn vốn ''xanh''. Ảnh Đỗ Doãn
Các chuyên gia chia sẻ về cách thức tiếp cận các nguồn vốn ''xanh''. Ảnh Đỗ Doãn

Trong khi đó, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành cũng đặt ra mục tiêu phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh như Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 lần đầu tiên đưa quy định về tín dụng xanh (Điều 149) và trái phiếu xanh (Điều 150) và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Ngân hàng Thế giới đã ban hành Báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển vào tháng 7 năm 2022, trong đó có nêu rõ hiện nay gần 100 triệu người dân Việt Nam nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước sự tàn phá của biến đổi khí hậu cũng như đang phải đối mặt với những rủi ro ngày một nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Các quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong các định hướng phát triển của các tổ chức tín dụng, trong các Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN), trái phiếu do chính phủ và chính quyền địa phương đã tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ để hình thành, phát triển và phát huy vai trò điều tiết của nhà nước đối với hai kênh tài chính tiềm năng này nhằm huy động nguồn lực từ thị trường cho việc chuyển đổi, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục vụ các mục tiêu môi trường quốc gia và các cam kết khí hậu.

‘‘Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy, sự tham gia của UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện nghiêm túc các vấn đề phát triển bền vững nói riêng và định hướng phát triển bền vững nói chung của các DN thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như xây dựng các tiêu chí niêm yết, yêu cầu công bố thông tin liên quan đến lĩnh vực này’’ - ông Vũ Chí Dũng cho biết.

Nguồn vốn lớn sẵn có cho doanh nghiệp ESC

Còn theo bà Trần Anh Đào - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), thời gian qua, HOSE luôn đồng hành và hỗ trợ các DN niêm yết trong việc tiếp cận những chuẩn mực mới, những yêu cầu mới từ cộng đồng các nhà đầu tư (NĐT) trên thế giới. Cụ thể là qua việc triển khai giải báo cáo phát triển bền vững đối với các DN niêm yết, đã có nhiều DN tiếp cận được các chuẩn mực cao trên thế giới và đã phát hành được những báo cáo phát triển bền vững đạt được giải cao trong khu vực.

Nhiều nguồn vốn lớn cho doanh nghiệp phát triển bền vững
Nhiều nguồn vốn lớn đang sẵn sàng đầu tư vào doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Việc DN niêm yết tập trung cho các hoạt động liên quan đến môi trường và xã hội, đồng thời công bố đầy đủ những thông tin này để các NĐT, đặc biệt là các NĐT tổ chức biết để họ đưa ra quyết định đầu tư. Do đây là nguồn vốn dài hạn và ổn định phục vụ cho sự phát triển của DN, trong khi ESG đang là xu hướng chung trên toàn thế giới, nên nếu DN đáp ứng được sẽ rất có lợi thế trong việc huy động vốn.

‘‘Một lượng vốn khổng lồ đang có sẵn, nhưng các NĐT tổ chức đều có những cam kết, có chuẩn mực mà họ phải tuân thủ. Các chuẩn mực đó liên quan đến đảm bảo yêu cầu về ESG, nên nếu DN không đạt các yêu cầu về ESG thì không nhận được nguồn vốn này’’ - bà Trần Anh Đào nói.

Một bài học là tại Trung Quốc thời gian qua, rất nhiều quỹ đầu tư phải rút khỏi vì các vấn đề về môi trường không đảm bảo hoặc vấn đề về xã hội không đảm bảo. Còn tại Singapore, Thái Lan, Malaysia… các công ty công bố thông tin, báo cáo phát triển bền vững rất chi tiết, chuẩn rất cao, đặc biệt là các báo cáo phi tài chính đã có kiểm toán độc lập để tăng độ tin cậy.

Ở Việt Nam cũng có một số công ty đã có kiểm toán như vậy do phải đáp ứng yêu cầu của NĐT quốc tế, tuy nhiên số lượng các DN này rất ít. Nhưng nếu các DN muốn thu hút nguồn vốn dài hạn thì họ phải thực hiện công bố thông tin về ESC và bước kế tiếp là có sự xác nhận về các thông tin công bố này.

Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam. Phát triển bền vững là sự phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Phát triển bền vững là đảm bảo được ba bình diện phát triển: kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hoá đa dạng và môi trường được trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững.