Những cái tên tự ý “khai sinh”

Hiện tại trong lĩnh vực bất động sản, việc tự ý đặt tên thương mại cho dự án để đánh bóng, quảng cáo và bán hàng là điều không hiếm, thậm chí có thể được xem là phổ biến. Thay vì sử dụng tên theo sự cấp phép của cơ quan chức năng thì các chủ đầu tư lại đi tạo “nick name” bằng những cái tên gắn tiếng nước ngoài.

Việc có những “đứa con” nhưng đặt nhiều tên khác nhau gây ra sự nhiễu loạn, khó quản lý đối với địa phương. Nhiều dự án khi được hỏi thông tin theo tên quảng bá thì cơ quan chức năng thông tin rằng: trên địa bàn không có dự án này tồn tại.

Đơn cử như mới đây, UBND phường Trường Thạnh, quận 9, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) thông tin, trên địa bàn không có dự án Green City do Công ty CP Xây dựng Kinh doanh Bất động sản Nam Khang làm chủ đầu tư cũng như khu đất hình thành dự án 23,5ha với quy mô 297 nền. Thế nhưng, cũng theo UBND phường Trường Thạnh, tại địa điểm trên có 1 dự án được cơ quan chức năng phê duyệt, đó là dự án Khu nhà ở thấp tầng Nam Khang.

Hay ở khu đất 218 đường Võ Văn Ngân, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức), sau khi được giao đất thì đến ngày 14/11/2017, Sở Xây dựng có văn bản trình UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư Dự án Khu phức hợp căn hộ kết hợp thương mại, dịch vụ văn phòng. Thế nhưng, sau khi được tung ra thị trường, dự án này lại mang 1 cái tên khá “kêu” và hoàn toàn lạ lẫm “King Crow Infinity”.

“Nick name” dự án bất động sản: Luật đã có nhưng vì sao vẫn loạn danh xưng?
Việc không đồng nhất trong việc đặt tên cho dự án sẽ gây nhiễu loạn, nhầm lẫn cho cả khách hàng và cơ quan quản lý nhà nước.

Không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh, mà các tỉnh cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo giấy phép của cơ quan chức năng tỉnh Long An, dự án được phê duyệt mang tên Khu dân cư xã Trường Bình do Công ty TNHH Đầu tư - Kinh doanh Bất động sản Long Thượng Lộc làm chủ đầu tư bỗng dưng được biến hoá thành dự án Iris Residence. Khi được phản ánh về vấn đề này, trả lời báo chí, cả Sở Xây dựng và UBND huyện Cần Giuộc (Long An) đều khẳng định, trên địa bàn không có dự án nào mang tên Iris Residence.

Ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc của Công ty Bất động sản Phú Đông nhận định, đây chỉ là hình thức đặt tên thương mại cho dự án để chủ đầu tư dễ bề thực hiện việc quảng bá thương hiệu cũng như tạo ấn tượng chứ không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

“Pháp lý dự án vẫn đặt tên theo quy cũ, còn tên thương mại là quy ước giữa chủ đầu tư với khách hàng - đơn thuần chỉ là “nick name” của dự án. Việc người ta đăng ký và đặt tên ra sao không quan trọng, cái chính là đó không phải là dự án “ma” và doanh nghiệp đó có làm sản phẩm chất lượng hay không” - ông Phúc nói.

Nên đồng nhất thông tin để không làm rối khách hàng và cơ quan quản lý

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), vào năm 2018 trên thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng “loạn” danh xưng “chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang”, kể cả bằng tên nước ngoài gắn với các cụm từ như “Luxury”, “Hi-end”, “Premier”, “Royal”… Nhiều chủ đầu tư coi đây là một thủ thuật “câu khách”, quảng bá sản phẩm. Việc này, làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn, bị lừa dối, dẫn đến bị thiệt hại về quyền lợi khi mua nhà.

“Nhu cầu đặt tên dự án nhà ở, tên các thành phần trong dự án bằng tiếng nước ngoài là nhu cầu chính đáng của các chủ đầu tư, đáp ứng đòi hỏi của thị trường, nhưng cần chấp hành đúng các quy định của pháp luật” - ông Châu nói.

HoREA cũng cho rằng, việc các chủ đầu tư này đã cung cấp thông tin sai lệch, vi phạm tại khoản 13 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 vì “cung cấp thông tin về nhà ở không chính xác, không trung thực, không đúng quy định hoặc không đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Đồng thời, vi phạm tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 vì “không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản”, làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn, bị lừa dối.

Cụ thể, theo Luật Nhà ở quy định tại Khoản 3 Điều 19 “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt. Trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định…”

Còn theo Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, để thực hiện đúng pháp luật, ngoài việc xem quy định của pháp luật về tên dự án (như quy định Điều 19 Luật Nhà ở) thì doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu vận dụng quy định Luật Sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm để thực hiện phù hợp pháp luật. Đồng thời, khi sửa đổi Luật Nhà ở 2014 cũng cần tính đến tính tương thông với Luật Sở hữu trí tuệ.

“Các biểu mẫu của thủ tục dự án qua các thời kỳ đều không quy định rõ tên tiếng Việt hay tiếng nước ngoài nào, nên có trường hợp dự án, cơ quan nhà nước chỉ công nhận tên tiếng Anh mà không có tên tiếng Việt hoặc (nửa Việt nửa Tây) – như dự án “Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony” hoặc dịch không tương thích với nhau” - Luật sư Phượng cho hay./.