Nông nghiệp Thủ đô khẳng định vị trí quan trọng là bệ đỡ của nền kinh tế
Nông nghiệp Thủ đô khẳng định vị trí quan trọng là bệ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: TL

Thu nhập của người dân nông thôn tăng hơn 7 lần so với năm 2008

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội nhận được sự quan tâm lớn của Thành uỷ - HĐND - UBND TP.Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Nhờ đó, ngành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân nông thôn không ngừng được nâng cao.

Cụ thể, đến nay, 17/18 huyện thị xã của Hà Nội đã đạt huyện nông thôn mới, 382/382 xã (đạt 100%) về đích nông thôn mới (nhiều nhất cả nước). Đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện. Thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao.

Số liệu ước tính đến năm 2023 đã đạt 63,28 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 7 lần so với năm 2008). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống chỉ còn 0,06% (tức là cơ bản không còn hộ nghèo so với từ 12,5% năm 2008).

Thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn UBND TP.Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng Bộ NN&PTNT nghiên cứu, tổ chức một diễn đàn thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hà Nội đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư lớn để thúc đẩy phát triển khu vực “tam nông”. Nhờ đó, nông nghiệp Thủ đô đã có nhiều bước tiến vượt bậc; bộ mặt nông thôn đổi thay tích cực. Từ chỗ giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng, thì năm 2022 đã đạt gần 50.000 tỷ đồng, cao hơn xấp xỉ 8 lần so với năm 2008, đứng tốp đầu về quy mô so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, các yếu tố tăng trưởng của ngành nông nghiệp hiện vẫn dựa chủ yếu vào đóng góp từ việc tăng quy mô sản xuất; thành phố chưa hình thành được những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến.

Quá trình đô thị hoá nhanh khiến tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn gặp nhiều khó khăn; không gian phát triển nông nghiệp thường xuyên bị tác động thu hẹp. Những chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái còn thiếu...

Nông nghiệp Thủ đô khẳng định vị trí quan trọng là bệ đỡ của nền kinh tế
Hà Nội tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Ảnh: TL

Tư duy đổi mới về phát triển nông nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, bước vào giai đoạn mới, Hà Nội cần có tư duy đổi mới về phát triển nông nghiệp. Xác định được mô hình phát triển phù hợp với điều kiện Thủ đô. Trong đó, mục tiêu chính đặt ra là phục vụ cho quy mô 10 triệu dân và tập trung vào một số lĩnh vực có thế mạnh như giống cây trồng - vật nuôi.

Bàn về giải pháp để nông nghiệp, nông thôn Thủ đô phát triển bền vững, mới đây, tại cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT với TP.Hà Nội, nhấn mạnh quan điểm “hiếm có quốc gia nào mà có Thủ đô phát triển nông nghiệp như tại Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, thành phố cần có những cách làm khác như chú trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, không thể sản xuất những nông sản mà các địa phương xung quanh cũng có.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh cũng kiến nghị, Hà Nội nên có nhiều hơn chính sách khuyến khích phát triển các cộng đồng nghề. Trong phát triển làng nghề, cần chú trọng vấn đề môi trường. Đồng thời, quan tâm đến vấn đề thương hiệu, nhãn hiệu để sản phẩm làng nghề vươn xa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ quan điểm "Bộ mặt Quốc gia ở Thủ đô thì bộ mặt nông nghiệp của Việt Nam cũng phải ở Hà Nội", vì vậy, mong muốn Thủ đô phát triển nhanh nền nông nghiệp tri thức. Phía Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành cùng Hà Nội trong việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

Hình thành những vùng nông nghiệp công nghệ cao

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi lần này đã đề cập khá chi tiết về vấn đề nông nghiệp, nông thôn. Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lượng phát triển nông nghiệp, nông thôn nhấn mạnh, nông nghiệp Hà Nội phải gắn với các viện nghiên cứu, trường đại học, hình thành những vùng nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp giống, vật liệu.

Ngoài ra, việc đào đào tạo cán bộ kỹ thuật, trước hết cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và lan tỏa ra các tỉnh trung du phía Bắc và Bắc Trung bộ là cũng rất cần thiết. Các vùng sản xuất của Hà Nội phải là nơi trình diễn, giới thiệu thành quả và cung cấp nguyên vật liệu nông nghiệp với giá trị gia tăng và hàm lượng kỹ thuật cao.