Chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ông Mai Đình Tú – Phó Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa cho hay, năm 2021, tỉnh Thanh Hóa được Chính phủ giao dự toán thu ngân sách là 26.572 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa cơ quan thuế được giao thu là 16.372 tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2021, Cục Thuế Thanh Hóa thu được 22.550 tỷ đồng, đạt 137,7% dự toán tỉnh giao, bằng 108,8% so với cùng kỳ thực hiện. Hầu hết các lĩnh vực, sắc thuế đã hoàn thành thu khá toàn diện so với dự toán được giao và tăng trưởng so với cùng kỳ.

Ổn định thu ngân sách, tạo đòn bẩy cho Thanh Hóa đột phá, phát triển
TP. Thanh Hóa ngày càng đổi mới, phát triển.

Báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa ghi nhận, khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương nộp đạt 109,2% dự toán; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp đạt 128,2% dự toán; khu vực doanh nghiệp công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh nộp đạt 106,5% dự toán; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 113,6% dự toán; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 112,6% dự toán; thu tiền sử dụng đất đạt 177,3% dự toán…

Nhìn lại chặng đường thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021, có thể thấy, khá nhiều điểm nhấn có thể kể ra. Theo đó, ngoài việc phát động sâu rộng phong trào thi đua nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu; đều đặn hàng tháng, Cục Thuế Thanh Hóa thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả thu ngân sách theo từng địa bàn, đơn vị để chỉ đạo thu kịp thời; tăng cường chỉ đạo các chi cục thuế tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo tốt công tác thu hồi nợ đọng thuế, thu tiền sử dụng đất.

Đồng thời, phối hợp với các chủ đầu tư công trình sử dụng nguồn vốn NSNN để có thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư, nghiệm thu theo giai đoạn và quyết toán công trình để chỉ đạo rà soát, kiểm tra hồ sơ khai thuế, yêu cầu người nộp thuế giải trình, kê khai bổ sung, nộp kịp thời các khoản thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế luôn được Cục Thuế Thanh Hóa coi trọng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để phòng chống dịch bệnh, các hình thức hỗ trợ điện tử, trực tuyến được tăng cường áp dụng; tương tác thường xuyên trên 479 kênh thông tin etax của ngành Thuế để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho người nộp thuế trong quá trình thực hiện pháp luật thuế... Đặc biệt, Cục Thuế Thanh Hóa đã tổ chức ngày đối thoại trực tuyến với người nộp thuế trên địa bàn để giải đáp vướng mắc về chính sách thuế và chính sách tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Cùng với đó, Cục Thuế Thanh Hóa đã ký kết các quy chế phối hợp với VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền chính sách pháp luật thuế nói chung, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện pháp luật…, qua đó tạo được kênh tương tác thường xuyên, hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật thuế.

Ngoài ra, định kỳ ngày 21 hàng tháng, trên cơ sở tổng hợp những vướng mắc từ Hội Doanh nghiệp tỉnh, các cơ quan và doanh nghiệp, từ các đơn vị khác..., Cục Thuế Thanh Hóa phối hợp cùng với các ban, ngành của tỉnh tham gia buổi tiếp xúc giữa Chủ tịch UBND tỉnh với các doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các vấn đề phát sinh có liên quan, góp phần giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh.

Đoàn kết xây dựng Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng mới

Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 13/11/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, đây là thể chế hóa cao nhất, sinh động nhất, nhằm tạo ra xung lực mới để Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Xác định chỉ tiêu thu NSNN là rất quan trọng, Cục Thuế Thanh Hóa đang từng bước thực hiện các biện pháp cụ thể, theo từng năm để hiện thực hóa mục tiêu đó. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song Cục Thuế Thanh Hóa tin tưởng với sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Tổng cục Thuế, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành; cùng với sự đoàn kết, thống nhất và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức thuế, nhiệm vụ công tác thuế năm 2022 được kỳ vọng sẽ sớm được hoàn thành, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn.

Lãnh đạo Cục Thuế Thanh Hóa cho biết, năm 2022, cục thuế được Bộ Tài chính giao dự toán thu là 17.143 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2021. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Cục Thuế Thanh Hóa đã thực hiện giao dự toán thu cho các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ.

Xác định dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, do đó phải thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế qua nhiều kênh thông tin qua đó kiến nghị UBND tỉnh, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội các chính sách tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 sát với thực tế.

Cùng với đó, Cục Thuế Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp để có thông tin hàng quý về các hồ sơ chuyển nhượng, cho, biếu, tặng quyền sử dụng đất và các tài sản liên quan để tổng hợp, đánh giá thông tin cung cấp cho các chi cục thuế phục vụ cho công tác rà soát quản lý thuế. Báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thu NSNN tỉnh những biện pháp chỉ đạo kịp thời phù hợp với tình hình thực tế. Phối hợp với các chủ đầu tư công trình sử dụng vốn ngân sách để có thông tin phục vụ công tác rà soát, kiểm tra hồ sơ khai thuế các doanh nghiệp xây dựng cơ bản năm 2022.

Đối với công tác quản lý các nguồn thu từ đất, Cục Thuế Thanh Hóa sẽ tiến hành chuẩn hóa dữ liệu thuê đất đến từng tổ chức, doanh nghiệp, từng hợp đồng thuê đất, đặc biệt là các trường hợp đã điều chỉnh đơn giá năm 2021 trên phần mềm theo dõi tiền thuê đất của cục thuế. Đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản và thực hiện Đề án quản lý thuế tài nguyên, cục thuế sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để có số liệu về việc xác định trữ lượng khoáng sản khai thác hàng năm theo từng mỏ theo văn bản chỉ đạo 12234/UBND-CN của UBND tỉnh Thanh Hóa để quản lý thuế.

Ngoài ra, Cục Thuế Thanh Hóa sẽ thường xuyên rà soát, phân tích, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý để phân tích, đánh giá thu NSNN theo lĩnh vực, sắc thuế, doanh nghiệp trọng điểm để có biện pháp chỉ đạo thu ngân sách kịp thời. Tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa, dịch vụ mua vào của các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ công tác quản lý thuế hộ, cá nhân kinh doanh khi người nộp thuế thực hiện hóa đơn điện tử theo quy định Luật Quản lý thuế số 38 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Sớm đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc

2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi, đan xen không ít khó khăn, thách thức. Để thực hiện thắng lợi 25 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,5% trở lên; đặc biệt sớm đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các cấp, các ngành trong trên địa bàn cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là công tác thu ngân sách nhà nước.