Trên thị trường cơ sở, đà tăng đã chậm lại và giảm dần về cuối phiên 22/1, riêng UPCoM đi ngược xu hướng. Trên HOSE, VN-Index giao dịch cao hơn nhẹ trên mức tham chiếu từ đầu phiên và duy trì hết phiên sáng trước khi bắt đầu giảm vào phiên chiều. Chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 906,55 điểm, giảm 4,5 điểm (-0,49%) do tác động từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, PLX, VCB, TCB, GAS, BVH, MBB, VPB…

Trong khi đó, chỉ số VN30 chịu áp lực mạnh hơn khi chỉ tăng nhẹ vào đầu phiên và giảm ngay sau đó, đóng cửa giảm 4,93 điểm (-0,57%) về còn 859,17 điểm cũng do tác động từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như VPB, MBB, VRE, MSN, CTD, VCB, PLX…

Diễn biến tương tự trên sàn HNX, các cổ phiếu ACB, SHB, PVS khiến HNX-Index và HNX30-Index giảm lần lượt 0,8% và 1,08%. Điểm sáng duy nhất ghi nhận trên sàn UPCoM khi UPCoM-Index tăng mạnh hơn dần về cuối phiên, chỉ số đóng cửa tăng 0,92% ở mức cao nhất trong ngày với yếu tố dẫn dắt chính đến từ VEA và HVN.

Thanh khoản thị trường giảm trở lại, với mức giảm 18,1% trên HOSE và giảm 35,2% trên HNX, chủ yếu ở nhóm VN30 và HNX30 với mức giảm 34,5% và -35,9%.

Giá trị giao dịch ở cả 2 sàn đạt chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch của khối ngoại duy trì xấp xỉ phiên kế trước. Trên HOSE, tỷ trọng giao dịch khối ngoại tăng lên 12,3% và quay lại mua ròng 62,6 tỷ đồng. VEA và HVN được mua ròng 12,5 tỷ đồng và 6,9 tỷ đồng đưa giá trị mua ròng trên UPCoM lên 25,1 tỷ đồng.

phái sinh

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai (HĐTL) có diễn biến cùng chiều với chỉ số cơ sở, song mức giảm còn mạnh hơn. Các HĐTL đều giảm sâu hơn so với chỉ số cơ sở, cụ thể: F1902 giảm 8 điểm; F1903 giảm 7,8 điểm; F1906 giảm 8,0 điểm; và F1909 giảm 5,7 điểm.

phái sinh

Thanh khoản có sự cải thiện, nhưng mức tăng rất nhẹ, đạt 130.236 HĐ, trong đó, riêng HĐ F1902 đạt 129.617 HĐ. Khối lượng mở ở mức tương đương phiên trước với 23.416 HĐ. Tổng giá trị giao dịch cũng đạt 11.176 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với phiên trước.

Chỉ số VN30 chỉ tăng nhẹ vào phiên sáng, sau đó giảm dần và đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên, giảm 4,93 điểm xuống 859,17 điểm. Sau phiên tăng điểm đầy sôi động, chỉ số lại mất đi hơn nửa số điểm lấy được của phiên đầu tuần. Khối lượng giao dịch ở mức hơn 36 triệu đơn vị, giảm mạnh so với phiên trước hơn 10 triệu đơn vị, đồng thời chỉ tăng nhẹ 0,3 triệu đơn vị so với khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên.

phái sinh

SSI Retail Research cho biết, khối lượng giao dịch chưa được cải thiện và như vậy chỉ số VN30 khả năng sẽ tiếp tục giằng có tích lũy trong phiên giao dịch kế tiếp. Mức hỗ trợ ngắn hạn đảo chiều trong phiên giảm về mốc 857 điểm cho phiên giao dịch tiếp theo.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) thì cho rằng, chỉ số VN30 điều chỉnh như dự báo sau phiên bùng nổ theo đà, tuy nhiên lực bán không mạnh và nhiều khả năng sẽ có sự tích lũy thêm một phiên trước khi vượt thoát lên nền giá cao hơn.

Trên thị trường phái sinh, các HĐTL đã có diễn biến như dự báo khi giảm từ giá tham chiếu về vùng 855 điểm để lấp khoảng trống đã tạo ra trước đó. Khi lấp khoảng trống xong, lực cầu vào mở vị thế mua khá lớn đang là tín hiệu tốt. Do vậy, BSC khuyến nghị mở vị thế mua vào phiên 23/1./.

D.T