Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung |
Thu ngân sách dần lấy lại đà tăng trưởng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế 8 tháng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1.335,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 83,2% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 73,8% dự toán), tăng 17,8% so cùng kỳ năm 2023 (không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất thì tăng 12,4% so cùng kỳ).
Thu thuế từ kinh doanh thương mại điện tử tăng mạnhQua hơn nửa năm 2024, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể: doanh thu quản lý là 1,8 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp khoảng 50 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023. |
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%, vượt xa mức tăng 3,72% của 6 tháng đầu năm 2023. Đây là tín hiệu phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, tiềm ẩn rủi ro. Tăng trưởng kinh tế dần lấy lại đà hồi phục góp phần tăng thu NSNN.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 8 tháng qua, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 75,6% dự toán, tăng 10,7% so cùng kỳ (không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế thì bằng 102,7% số thu cùng kỳ). Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm khoảng 50% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh) ước đạt 88,2% dự toán, tăng 15% so cùng kỳ do các doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng ước đạt 69,9% dự toán, tăng 17,3% so cùng kỳ; thuế tiêu thụ đặc biệt ước đạt 63,7% dự toán, giảm 4,9% so cùng kỳ.
Mặc dù nói thu NSNN tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng trưởng được cải thiện luôn có độ trễ, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tuy nhiên số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động vẫn tăng. Do vậy, trong bối cảnh đó, ngành Tài chính phải triển khai đồng bộ, sáng tạo nhiều giải pháp, nhằm tăng thu ngân sách, như quản lý hóa đơn điện tử, tăng thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số. Đây là những khoản thu mà lâu nay chưa thu đủ về ngân sách. Do đó, việc tăng thu NSNN không phải là tận thu và không ảnh hưởng tới “sức khỏe” doanh nghiệp.
Bao quát các nguồn thu
Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự báo bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao hơn, kiểm soát tốt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách.
“Quan điểm chỉ đạo chung là tháng sau đạt kết quả cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thành quả năm 2024 nhiều hơn, bao trùm hơn, toàn diện hơn năm 2023”, người đứng đầu Chính phủ nêu quyết tâm. Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%; tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí…
Theo nhận định của lãnh đạo Tổng cục Thuế, những khó khăn, tiềm ẩn trong công tác thu của ngành Thuế thời gian tới còn rất lớn, ngành Thuế sẽ không chủ quan và tiếp tục kiên trì, quyết liệt trong công tác thu thuế. "Trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ đẩy mạnh công tác truy thu nợ thuế, đặc biệt là tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử từ giao dịch trên các sàn thương mại đển các hình thức kinh doanh trực tuyến, livestream", ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay.
3 năm liên tục vượt thu NSNN trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, Bộ Tài chính có những cách làm mới để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tài chính - NSNN được giao. Do đó, Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa. Đối với lĩnh vực thuế, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý thu thuế, quản lý hóa đơn điện tử, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, chống chuyển giá, trốn thuế. Đối với ngành Hải quan, cần đặc biệt lưu ý đến công tác chống buôn lậu, nhất là buôn lậu vàng, ngoại tệ, ma tuý, đồng thời đẩy mạnh xây dựng hải quan thông minh, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin theo hướng số hóa; bảo đảm trang thiết bị phục vụ công tác hiện đại hóa ngành Hải quan.
Đẩy mạnh thu thuế trên nền tảng công nghệTừ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính vẫn kiên định mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Song song với đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sâu rộng, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, tập trung giải ngân đầu tư công, xây dựng công trình hạ tầng nhanh, hiệu quả. Đồng thời, tập trung hoàn thiện pháp luật tài chính, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là bất động sản, đầu tư công, thu hút FDI. Đáng chú ý, thời gian gần đây, Tổng cục Thuế nỗ lực đẩy mạnh quản lý thuế thương mại điện tử. Mới đây, tháng 7/2024, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi các đồng chí bí thư các tỉnh, thành phố đề nghị hệ thống chính trị các cấp cùng vào cuộc với cơ quan thuế để chống thất thu thuế. Hiện nay quản lý thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến đang đi vào nề nếp với cách làm phong phú. Cơ quan thuế đang xây dựng quy trình chuẩn trong quản lý kinh doanh trực tuyến. Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sớm trình Bộ đưa vào hoạt động Cổng kê khai cho người kinh doanh trực tuyến đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về nội dung này. Ngoài ra, Tổng cục Thuế đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế bằng cách có thư gửi cộng đồng người kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến để hướng dẫn cách đăng ký kê khai, nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ sàng lọc trường hợp người cố tình không thực hiện và chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Các cục thuế địa phương cũng đẩy mạnh quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tránh thất thu ngân sách. Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, ngay từ đầu năm, cơ quan thuế chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng online. Theo thống kê, qua hơn nửa năm, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 4.560 người nộp thuế (gồm 1.274 doanh nghiệp, 3.286 cá nhân) với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỷ đồng. Đây là nỗ lực của cơ quan thuế, nhằm tránh thất thu, góp phần tăng thu vào NSNN./. |