Phát triển dịch vụ logistics để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất nhập khẩu
Các diễn giả thảo luận, đề xuất giải pháp phát triển hoạt động logistics. Ảnh Đỗ Doãn

Phát triển dịch vụ logistics là đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm về phát triển dịch vụ logistics, bà Vũ Thị Ánh Hồng - Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan, Trưởng Ban tổ chức nhìn nhận, dịch vụ logistics không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế.

Thực tế cho thấy, ngành Hải quan thời gian qua đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN) nói chung và DN logistics nói riêng; góp phần quan trọng giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) nhanh chóng, giúp cho các DN logistics đẩy nhanh được tốc độ vận chuyển, giao hàng, qua đó nâng cao được uy tín với khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Cơ quan hải quan thời gian qua đã nỗ lực cải cách, hiện đại hoá hoạt động hải quan, đặc biệt là áp dụng rộng rãi thủ tục hải quan điện tử, soi chiếu container, tăng tỷ lệ luồng xanh (miễn kiểm tra hàng hoá) và luồng vàng (kiểm tra chứng từ), giảm tỷ lệ luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu), áp dụng quản lí rủi ro…

Tuy nhiên, theo đánh giá, phát triển dịch vụ logistics hiện chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển. Cụ thể, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm và thiếu đồng bộ; chưa có trung tâm logistics lớn, liên kết liên vùng chưa tốt; kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông trong vùng, giữa cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, khu công nghiệp còn hạn chế; tỷ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam còn cao…

‘‘Tất cả đang làm hạn chế sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế, nên việc kéo giảm chi phí logistics trở thành một đòi hỏi cấp bách. Thông qua tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn các cơ quan quản lý, DN, hiệp hội cùng đưa ra những giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ logistics, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cạnh tranh với thế giới…’’ – bà Hồng nói.

Phát triển hoạt động logistics để tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu
Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu một số giải pháp tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp. Ảnh Đỗ Doãn

Cần sự phối hợp, chủ động thay đổi của các bên liên quan

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cùng đại diện các DN đã tập trung thảo luận những vấn đề chính liên quan đến thực trạng hoạt động logistics và những rào cản, hạn chế; các chính sách phát triển logistics của Việt Nam như kết nối hạ tầng giao thông, cảng, kho bãi…; phát triển, kết nối hạ tầng về công nghệ vận hành, đào tạo nhân lực, thiết lập hệ sinh thái xanh...

Những chính sách mới và vai trò của ngành Hải quan đồng hành cùng DN, tạo thuận lợi thương mại và logistics phát triển, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, hiến kế để góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ logistics, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cạnh tranh với thế giới cũng được đại diện Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng, Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ra tại buổi tọa đàm.

Đề xuất giải pháp cụ thể để phát triển hoạt động logistics tại buổi tọa đàm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, trước tiên là vai trò của cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện các văn bản liên quan đến pháp luật thương mại, pháp luật hải quan; một số quy định của ngành Hải quan liên quan trực tiếp đến hoạt động logistics đang được sửa đổi như quy định về thủ tục giám sát quản lý, kho ngoại quan… nhằm kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Phát triển hoạt động logistics để tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu
Đại diện một doanh nghiệp nêu giải pháp kéo giảm chi phí cho hoạt động logistics tại buổi tọa đàm. Ảnh Đỗ Doãn

‘‘DN logistics cũng cần có sự chủ động để bắt kịp nhịp độ của thế giới trong hoạt động XNK để đẩy nhanh việc thông quan, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, tức nâng cao năng lực của chính mình’’ – ông Trần Thanh Hải khuyến nghị.

Đối với ngành Hải quan, ông Nguyễn Bắc Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, cơ quan hải quan với vai trò quản lý hoạt động XNK đã trình Chính phủ Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, với các mục tiêu đặt ra rất cụ thể. Đó là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thể chế, các quy định, thủ tục để quản lý hàng hóa, cụ thể là làm sao để việc kiểm tra chuyên ngành trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Kế đến là tăng cường trang thiết bị hiện đại để thực hiện việc kiểm tra giám sát hiệu quả hơn, giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và DN.

‘‘Cơ quan hải quan mong DN ủng hộ những thay đổi thật sự của cơ quan hải quan trong việc kéo giảm thời gian thông quan và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong hoạt động thông quan XNK hàng hóa như tăng cường chuyển đổi số với các chương trình hải quan số - hải quan thông minh, cắt giảm thủ tục không cần thiết…’’ – ông Nguyễn Bắc Hải nói.

Theo khuyến nghị của TS. Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý và các DN cung cấp dịch logistics. Trong khi DN phải tự nâng cao năng lực của chính mình thì cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước ngoài việc đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN cũng cần làm tốt các việc DN không thể tự mình làm được như đẩy nhanh việc đầu tư kết nối hạ tầng vùng miền, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, đường thủy… nhằm tạo điều kiện cần để thúc đẩy hoạt động logistics phát triển.
Phát triển hoạt động logistics để tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu
Buổi tọa đàm thu hút trên 200 doanh nghiệp liên quan đến hoạt động logistics tham dự. Ảnh Đỗ Doãn