Cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế “sạch”, tại sao không?
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

“Thẻ xanh” đồng nghĩa với sự tuân thủ tốt

Việc phân loại, đánh giá để dồn trọng tâm, xác định nhiệm vụ trong năm kế hoạch và từng giai đoạn cụ thể đối với từng chức năng của cơ quan thuế các cấp, đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách là rất quan trọng. Đây cũng là một nghệ thuật - nghệ thuật quản lý, bởi với một số lớn đối tượng vừa đa dạng và phức tạp trong một môi trường đầy biến động của nền kinh tế thị trường thì sự phân tích, xếp loại và đưa ra đánh giá, công khai các tiêu thức để doanh nghiệp biết để tự đánh giá được mình sẽ góp phần giúp cơ quan thuế quản lý hiệu quả nguồn thu.

Như vậy, nếu cơ quan thuế đưa ra một bộ tiêu chí, hoặc một cơ chế nào đó mà thể hiện và vận dụng được cả khoa học và nghệ thuật trong quản lý thuế của mình, mang tính nhân văn và bền vững, thì sẽ góp phần tạo nên một bước cải cách lớn trong quản lý thuế hiện nay. Nếu người nộp thuế thực hiện tốt pháp luật thuế, được cơ quan thuế đánh giá cao sẽ được những ưu tiên nhất định, ví như sẽ được xem là được cấp "thẻ xanh" đối với người nộp thuế "sạch".

Câu hỏi được đặt ra là: Cơ quan thuế có nên cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế không và cấp dựa trên những tiêu chí nào? Nếu người nộp thuế được cấp, họ sẽ được hưởng những ưu đãi gì từ “thẻ xanh” này? Ẩn ý dùng "thẻ xanh" với ngụ ý rằng: Nếu người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế của mình, không mắc sai phạm, đạt được sự tín nhiệm cao nơi cơ quan Thuế, thì sẽ nhận được những ưu tiên nhất định trong công tác quản lý thuế.

Trên cơ sở đáp ứng đủ các tiêu chí, người nộp thuế sẽ được ngành Thuế cấp "thẻ xanh" và họ sẽ được hưởng những ưu đãi về chế độ quản lý thuế, giảm nhẹ nhiều thủ tục quản lý hành chính như: Không bị kiểm tra, thanh tra trong năm thời hạn hiệu lực của "thẻ xanh", hoặc được xếp vào danh sách ưu tiên khi xét hoàn thuế GTGT theo quy trình đơn giản hoá, hoàn thuế trước - kiểm tra sau; được tuyên dương về thành tích chấp hành tốt pháp luật thuế ở các cấp như: cấp Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, cục thuế... Đây chính là những nhân tố tích cực trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.

Nếu quyết tâm sẽ thực hiện được

Có nhiều câu hỏi đặt ra và ngành Thuế cần và phải xử lý, đặc biệt là hai câu hỏi lớn sau đây: Nếu ngành Thuế triển khai việc cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế “sạch” thì có thực hiện được không? Giải pháp là như thế nào?

Đánh giá theo chu kỳ 2 năm/lần

Hệ thống đánh giá xem xét cấp "thẻ xanh" cho người nộp thuế cần được thực hiện trên cơ sở kết hợp giữa đánh giá của cơ quan Thuế các cấp theo chu kỳ thời gian phù hợp, có thể trong 2 năm/lần. Việc xem xét cơ bản sẽ dựa vào hồ sơ quản lý và có thể kiểm tra thực tế nếu cần thiết.

Trả lời cho hai câu hỏi lớn trên, có thể khẳng định rằng: Nếu ngành Thuế quyết tâm, nếu hiểu rằng đây là vấn đề trọng yếu trong công tác quản lý thuế, thì chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp để triển khai hiệu quả nội dung này, bởi hiện nay thế giới đã và đang quản lý thuế căn cứ vào tính tuân thủ pháp luật thuế của các đối tượng quản lý, dựa trên bộ tiêu chí đánh giá khách quan về tình hình hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Cách quản lý này căn cứ vào quá trình phân tích rủi ro, phân loại người nộp thuế theo một phương pháp khoa học. OECD, các tổ chức quốc tế đã ban hành các tài liệu hướng dẫn để cơ quan thuế các nước tham khảo, học tập kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, các nước EU, Singapore hay ngay cả Trung Quốc đã và đang áp dụng hiện nay cách quản lý này. Tại Việt Nam, cơ quan hải quan hay các ngành, lĩnh vực trong quản lý nhà nước đã áp dụng cách phân loại đối tượng quản lý thành các nhóm khác nhau để quản lý hiệu quả; đặc biệt đối với ngành dịch vụ, việc phân loại khách hàng để cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất đã và đang được các nhà cung cấp tích cực triển khai.

Quản lý rủi ro chống thất thu thuế

Cũng phải nói thêm rằng, việc cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế “sạch” là một bước phù hợp và đây cũng chính là nghệ thuật trong quản lý nhà nước; điều này tác động đến tâm lý, thói quen và giúp người nộp thuế từng bước nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế theo thời gian, hướng đến lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mình, sau đó là lợi ích chung của xã hội và cộng đồng. Phương thức quản lý này mang tính nhân văn sâu sắc và có tính bền vững cao. Điều này trả lời cho các câu hỏi trên, cũng là giải thích cho việc tại sao các nước áp dụng cách phân loại và đánh giá người nộp thuế dựa trên sự tín nhiệm của cơ quan thuế là như vậy; hình tượng cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế “sạch” được xem như cách thể hiện mang tính khách quan, khoa học và nghệ thuật trong quản lý thuế mà cơ quan thuế hướng tới.

Bên cạnh đó, việc đánh giá, sắp xếp và phân loại này đòi hỏi cần một bộ phận chuyên trách - là bộ phận quản lý tuân thủ về thuế - và có sự kết hợp của các bộ phận chức năng khác có liên quan, bao gồm bộ phận Tuyên truyền - hỗ trợ; Kê khai - kế toán thuế; Thanh tra - kiểm tra; Thu nợ - cưỡng chế nợ thuế… để có thể đánh giá và phân loại một cách khách quan nhất, nhằm thực hiện theo một quy chế thống nhất.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ có những nghiên cứu, đánh giá và xem xét cụ thể để có thể ban hành việc cấp “thẻ xanh ” cho người nộp thuế tuân thủ tốt nghĩa vụ về thuế và pháp luật Nhà nước, nhằm thúc đẩy quản lý thuế được tối ưu hóa, nâng tầm quản lý theo hướng nhân văn, bền vững và hướng đến quản lý tuân thủ về thuế của người nộp thuế theo mức độ tín nhiệm mà cơ quan thuế đã và sẽ triển khai.

Tiêu chí để cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế “sạch”

Ở Việt Nam, nếu việc cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế “sạch” được ban hành, thì ngành Thuế cần xây dựng những tiêu chí đánh giá cụ thể dựa trên tình hình thực tế quản lý thuế hiện nay và tham khảo hệ thống tính điểm ở một số nước để cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ về thuế. Có thể là, người nộp thuế sẽ được cấp “thẻ xanh” nếu họ đáp ứng đủ các tiêu thức mà ngành Thuế đặt ra, cụ thể như:

Thứ nhất, người nộp thuế có tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, liên tục trên 2 năm trở lên tính đến ngày được xem xét cấp “thẻ xanh”, đồng thời, thực hiện đúng và đầy đủ các quy định thủ tục đăng ký thuế, cập nhật, bổ sung thông tin khi có thay đổi về đăng ký thuế; thực hiện đúng và đầy đủ các quy định thủ tục nộp tờ khai, báo cáo, quyết toán thuế, khấu trừ, hoàn thuế; thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về chứng từ, sổ sách kế toán; thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về thời hạn nộp thuế; không vi phạm pháp luật thuế.

Thứ hai, người nộp thuế không được vi phạm vào các lỗi như: Nợ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật; không thực hiện đầy đủ các quy định về hệ thống báo cáo, sổ sách kế toán phục vụ cho mục đích tính thuế; đã từng bị cơ quan Thuế phạt trong khoảng thời gian 2 năm trước kể từ ngày được xem xét cấp “thẻ xanh”…

Thứ ba, nếu người nộp thuế là một doanh nghiệp thì thì doanh nghiệp đó không rơi vào một trong những trường hợp sau: Doanh nghiệp (DN) thường xuyên bị lỗ và không có bằng chứng gì cho thấy doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp tài chính để khắc phục tình trạng tài chính yếu kém của mình; DN có mức lợi nhuận thấp hơn các doanh nghiệp khác trong cùng ngành nghề kinh doanh; DN có mức biến động lớn về doanh thu và chi phí hàng năm mà số thuế nộp không tương xứng với sự biến động này…

Thứ tư, người nộp thuế luôn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kê khai, nộp thuế; Thực hiện các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tín dụng khác theo quy định.