luat

Các chuyên gia tham dự tọa đàm. Ảnh: MĐ.

Đây là nội dung được bàn luận tại tọa đàm sửa đổi Bộ luật Lao động đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập đất nước, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chiều 17/5.

Người lao động đồng tình, doanh nghiệp không muốn nghỉ bù

Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất hai phương án nghỉ Tết Âm lịch. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên như hiện hành, tức là người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Trong khi đó, với phương án 2 người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.

Ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong hai phương án được đề xuất, phương án 1 đang nhận được nhiều sự đồng tình của người dân; ban soạn thảo cũng cho rằng phương án 1 sẽ hợp lý hơn vì để kỳ nghỉ trọn vẹn kéo dài 7 ngày. Do đó, vấn đề cần cân nhắc hiện nay là ngày nghỉ hàng tuần. Tuy nhiên, riêng với doanh nghiệp, đại diện Vụ Pháp chế khẳng định, ngày nghỉ hàng tuần sẽ do doanh nghiệp tự quyết định, có thể là thứ bảy hoặc chủ nhật, Bộ LĐ-TB&XH sẽ không quy định cứng mà để cho doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn.

Đồng tình với phương án nghỉ tết như hiện nay, song ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đề xuất nên sắp xếp thời gian nghỉ trước tết dài hơn sau tết để người lao động ở xa quê có thời gian di chuyển về nhà, mua sắm. “Chúng ta cố gắng làm sao để thời gian nghỉ trước tết dài hơn, tôi ví dụ thời gian nghỉ là 7 ngày thì 4 ngày trước tết, 3 ngày sau tết. Bởi vì sau cả 1 năm làm việc, người lao động nào cũng muốn được nghỉ tết sớm để lo chuẩn bị” - ông Thọ bày tỏ.

Trái với quan điểm trên, ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thừa nhận, đang có sự bất cập khi thời gian nghỉ tết quá dài, nhất là đối với những ngành sử dụng nhiều lao động như chế biến thủy sản, da giày…thì luôn có tâm lý “sợ” sau tết.

Lý do theo chia sẻ của ông Nam là thông thường vào sau kỳ nghỉ tết, doanh nghiệp luôn phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động vì nhiều công nhân không trở lại làm việc, trong khi đơn hàng đã ký. Do đó, ông Nam đề nghị được giữ nguyên số ngày nghỉ tết như hiện nay, nhưng không nghỉ bù nếu ngày nghỉ tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần.

Linh hoạt trong quy định giờ làm việc

Liên quan đến đề xuất thống nhất giờ làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, ông Mai Đức Thiện cho biết, trên cơ sở tiếp thu lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ban soạn thảo đã có sự điều chỉnh linh hoạt hơn. Theo ông Thiện, dự thảo sẽ không có phương án cố định, vì đây là vấn đề còn liên quan đến cách thức giao tiếp của các đơn vị dịch vụ công với doanh nghiệp và người dân.

“Chúng tôi đang đề xuất thống nhất một cách linh hoạt giờ bắt đầu làm việc ở các cơ quan trung ương và thành phố lớn cùng một giờ, riêng các địa phương ở miền Nam và miền Bắc có khí hậu nắng nóng thì có thể quyết định giờ làm việc theo mùa” – ông Thiện cho biết. Tuy nhiên, đại diện Vụ pháp chế cũng nhấn mạnh thêm rằng, điều này cần công bố công khai, bởi vì thống nhất giờ làm việc sẽ góp phần làm ổn định hoạt động cải cách thủ tục hành chính, lề lối làm việc trong bộ máy để doanh nghiệp và người dân tiếp cận tốt hơn các dịch vụ công.

Cũng cho rằng hoạt động của các cơ quan nhà nước có liên quan đến các đơn vị giao dịch khác, ông Nguyễn Hoài Nam đồng tình với quy định cần công bố công khai về giờ làm việc. Ông Nam cho rằng, vấn đề cần được nhìn nhận ở cả góc độ xã hội, đơn cử ngay trong một gia đình cũng đã tồn tại các hình tố riêng, chẳng hạn con cái học các trường khác nhau, vợ chồng có người làm doanh nghiệp nhưng người lại làm nhà nước. “Cần có quy định công khai để đáp ứng yêu cầu tốt hơn khi doanh nghiệp và người dân đến giải quyết các dịch vụ công” – ông Nam chia sẻ.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Vũ Quang Thọ cũng tán thành với đề xuất giờ bắt đầu làm việc có thể tùy thuộc vào mùa ở các địa phương, bởi vì 8h30 mùa hè ở miền Bắc là quá muộn, nhưng mùa đông lại vừa phải. Cùng với đó, cần có điều chỉnh linh hoạt tùy thuộc vào các cơ quan, bộ máy, song vẫn phải đảm bảo giờ làm việc đủ 8 giờ/ngày./.

Mai Đan