Cần khung pháp lý để tránh lạm dụng thanh tra chuyên ngành

Tại phiên thảo luận, góp ý cho việc hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) nhấn mạnh hoạt động thanh tra là công cụ quản lý nhà nước và có mặt tích cực là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và đứng từ góc độ doanh nghiệp thì thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì hoạt động thanh tra có thể gây phiền hà cho các đối tượng bị thanh tra, gây ra gánh nặng có thể do thanh tra trùng lặp. Do đó, đại biểu đề nghị cần hết sức lưu ý điều này trong xây dựng luật.

“Nghị quyết 35 năm 2017, Chỉ thị 20 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và gần đây nhất là Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Phạm Minh Chính về các giải pháp và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng đã nêu rất rõ là chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và yêu cầu không tổ chức kiểm tra định kỳ và không thanh tra ngoài kế hoạch. Tuy nhiên, thực trạng về thanh tra doanh nghiệp theo tôi vẫn còn rất đáng quan ngại”- đại biểu nêu rõ.

Phan Đức Hiếu
Đại biểu Phan Đức Hiếu

Dẫn số liệu từ điều tra về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2021, đại biểu cho biết 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết là có tiếp đón đoàn thanh tra và trong số đó thì 20% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức, 14% doanh nghiệp cho rằng vẫn bị gây phiền hà, 10% doanh nghiệp cho biết vẫn bị tiếp đón đoàn Thanh tra nhiều hơn 3 lần một năm.

Trước thực tế này, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trong báo cáo tổng kết, đánh giá đầy đủ tình hình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, để làm cơ sở cho xây dựng những quy định về thanh tra chuyên ngành trong dự thảo Luật Thanh tra lần này.

Đồng thời, cũng như nhiều đại biểu phát biểu trước đó, đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị tách riêng quy định về thanh tra chuyên ngành với thanh tra hành chính. Lý do là nếu đối tượng chủ yếu của thanh tra chuyên ngành là doanh nghiệp thì phạm vi hoạt động của doanh nghiệp là trong phạm vi rộng khắp cả nước, tức là liên quan đến rất nhiều những đơn vị hành chính, có thể liên quan rất nhiều lĩnh vực. Nếu việc tổ chức hệ thống thanh tra theo cấp hành chính, theo đơn vị hành chính, theo chuyên ngành, theo lĩnh vực thì có nguy cơ một doanh nghiệp có thể bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều bởi các cơ quan thanh tra. Rõ ràng cần thiết phải có một quy định riêng, đặc thù để hạn chế việc thanh tra trùng lặp, thanh tra không cần thiết, đại biểu khẳng định.

Đối với quy định về thanh tra chuyên ngành, đại biểu đề nghị cần có khung pháp lý để tránh việc lạm dụng thanh tra chuyên ngành gây phiền hà hoặc thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong đó, việc thanh tra phải thiết kế trên nguyên tắc quản lý rủi ro, để giảm thiểu số lượng thanh tra không cần thiết.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan

Về vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cũng nhận xét, ma trận các hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp của các hoạt động này trong thời gian qua là một trong những điểm nghẽn khá điển hình của môi trường kinh doanh ở nước ta suốt trong nhiều năm và là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh rất nhiều.

“Hiện tượng có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí có đến hàng chục đoàn đến cùng một địa điểm trong một năm và cùng một vấn đề thì không phải là chuyện lạ”- đại biểu nói.

Những năm gần đây, công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, các quy định pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn bất cập. Cho nên yêu cầu xóa bỏ sự chồng chéo, trùng lặp và nâng cao chất lượng các hoạt động thanh tra, kiểm tra thì vẫn còn là một vấn đề chưa được giải quyết tận gốc.

Do đó, đại biểu hoan nghênh Chính phủ đã trình ra Quốc hội dự thảo Luật Thanh tra lần này theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rạch ròi hơn trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là tăng cường sự phối hợp để có thể giảm được sự chồng chéo.

Đối với các nội dung cụ thể trong dự thảo, đại biểu đánh giá cao việc bỏ thiết chế về thanh tra thường xuyên, chỉ còn thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Đại biểu đề nghị việc thanh tra, kiểm tra hay bất cứ hoạt động tiền kiểm nào đều được thực hiện theo nguyên tắc rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển mạnh sang nguyên tắc quản lý rủi ro.

Đồng thời, đại biểu đề nghị tăng cường việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong bộ máy nhà nước để có thể sử dụng những kết quả của nhau, đặc biệt là thông qua việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, thực hiện được kinh tế số và quản trị số, để đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lại tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.