Nghị định 20

Nghị định 20 được ban hành thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý rất tốt cho cuộc đấu tranh chống chuyển giá, chống xói mòn cơ sở thuế.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan thuế sẽ lắng nghe và tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên ông cũng đặt câu hỏi: Tại sao chỉ có doanh nghiệp (DN) trong nước kêu mà DN nước ngoài không kêu?

PV: Thưa ông, thời gian qua dư luận có nhiều ý kiến liên quan đến Nghị định 20, cụ thể là quy định chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ (khi xác định thuế TNDN) không vượt quá 20% tổng lợi nhuận gây bất lợi cho DN. Ông có bình luận gì về tác động này?

Ông Nguyễn Văn Phụng
Ông Nguyễn Văn Phụng
- Ông Nguyễn Văn Phụng: Đúng là gần đây một số cơ quan báo chí có nêu vấn đề tác động của Nghị định 20 đối với các DN trong nước. Thông tin này đã đặt ra cho cơ quan thuế cần phải có sự nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này. Có mấy vấn đề đặt ra: Thứ nhất, là tại sao chỉ các DN trong nước có ý kiến, mà DN nước ngoài lại không? Thứ hai, là trong các DN có ý kiến, DN nào có ý kiến nhiều nhất và thực chất là gì? Từ đây đặt ra cho cơ quan thuế cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Phải khẳng định rằng, Nghị định 20 được ban hành thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý rất tốt cho cuộc đấu tranh chống chuyển giá, chống xói mòn cơ sở thuế. Đây là công cụ rất hữu ích để cơ quan thuế thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó có tác động, răn đe các DN có ý đồ lợi dụng chính sách để chuyển nguồn lực tài chính ra nước ngoài bất hợp pháp.

Tuy nhiên, xét về góc độ quản lý, cơ quan thuế đánh giá chung, về cơ bản trong hơn 600.000 DN, sự tác động này là không lớn. Bởi vì DN trong nước đang nộp thuế TNDN với thuế suất phổ thông 20%. Còn ưu đãi thuế TNDN 10%, 15%, 17% tùy theo vùng, miền…, đều có những tiêu chí rất rõ ràng giống như với khối các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Với các DN trong nước, đại bộ phận hiện nay là DN nhỏ và vừa, cho nên Nghị định 20 không gây cản trở, hay tác động xấu đối với hoạt động của DN.

PV: Như ông vừa nói thì Nghị định 20 gần như không tác động nhiều đến các DN trong nước. Vậy tại sao thời gian qua báo chí vẫn phản ánh một số DN cho rằng, quy định này ảnh hưởng đến hoạt động của họ, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Phụng: Với quy định chi phí lãi vay không được vượt quá 20% (lợi nhuận trước thuế, chưa tính lãi vay và khấu hao - chỉ số Ebitda), đây là chỉ tiêu để các DN có thể so sách được với nhau về cơ cấu vốn, tài sản. Có những DN lãi trước thuế với chỉ số Ebitda rất cao, nhưng báo cáo tài chính thể hiện DN vẫn lỗ vì khấu hao quá nhiều, vay vốn quá nhiều (kết quả cuối cùng vẫn âm). Trong khi đó, có những DN lãi trước thuế, trước khấu hao, trước lãi vay ở mức vừa phải, nhưng do quản trị tài chính tốt, có vốn đầy đủ, cơ cấu tài sản hợp lý, không lãng phí tài sản thì lãi thực của họ rất cao.

Chỉ số Ebitda thì thế giới đã sử dụng từ lâu rồi, còn chúng ta sử dụng để so sánh giữa các DN khác nhau về ngành nghề, địa bàn, cơ cấu vốn có thể gặp nhau ở điểm chung nhất là lãi ban đầu (lãi thuần) chưa tính đến các yếu tố về vốn là bao nhiêu. Yếu tố này rất quan trọng cho những người làm chính sách, cũng như người quản trị DN, đặc biệt là các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán rất quan tâm.

Về các ý kiến cho rằng, quy định trên của Nghị định 20 có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, về phía cơ quan thuế, chúng tôi luôn tiếp thu, cầu thị và đã có văn bản gửi đến DN, đề nghị DN cung cấp thêm thông tin liên quan. Chúng tôi sẵn sàng cùng với DN đi đến cùng vấn đề. Nếu như quy định nào phù hợp với cái chung, nhưng chưa phù hợp với đặc thù, thì sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền trong phạm vi xem xét có hướng dẫn cụ thể, để làm sao vẫn đảm bảo tôn trọng pháp luật, không ảnh hưởng gì đến cam kết quốc tế, cũng như không ảnh hưởng đến sự cạch tranh của các DN nhỏ và vừa.

PV: Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến việc chi phí của DN về lãi vay khấu hao quá cao như vậy?

- Ông Nguyễn Văn Phụng: Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đầu tư nhiều tài sản thì khấu hao cao và DN ít vốn quá, phải vay nhiều, vay nhiều thì phải trả lãi nhiều. Như vậy chắc chắn DN nào vốn ít mà đầu tư quá nhiều, quá dàn trải thì sẽ bị khó khăn. Chúng ta hiện nay đang cần các DN “khỏe mạnh”, làm ăn thực thụ. Chúng ta cần 1 triệu DN vào năm 2020, nhưng phải là DN “khỏe mạnh”, chứ chúng ta không cần DN sinh ra để trốn thuế, mang lại rủi ro cho xã hội.

Cho nên, quy định này không chỉ bảo đảm cho nền tài chính, mà còn bảo đảm sự bền vững cho cả thị trưởng. Bởi trong cộng đồng 600.000 DN, nếu có những DN “ốm đau” thì cả cộng đồng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu các thành viên đều “khỏe mạnh”, thì sẽ cộng đồng đó sẽ tốt lên.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc khống chế trần lãi vay tác động lên hoạt động đi vay và cho vay lại giữa công ty mẹ và các công ty thành viên - vốn rất phổ biến trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như DN tư nhân. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Phụng: Tôi phải nói rằng, mức độ tin cậy, mức độ tín nhiệm của các DN với các tổ chức tín dụng là rất khác nhau. Một tập đoàn kinh tế mạnh sẽ dễ dàng được vay vốn hơn những DN yếu kém. Vậy nên, trong một tập đoàn kinh tế, thường xuyên diễn ra việc tập đoàn vay sau đó cho công ty con vay lại. Công ty anh có thể vay xong cho công ty em vay lại, bởi vì công ty em không đủ năng lực tài chính, không đủ tín nhiệm và không thể tiếp cận được nguồn vốn. Vì thế, đứng trên giác độ vay vốn, quy định này có thể ảnh hưởng đến những DN yếu trong tập đoàn. Điều này là có.

Nhưng việc đó theo tôi cũng là cần thiết để các DN đó tái cơ cấu để vươn lên. Mặc dù vậy, cơ quan thuế cũng đã lường trước được vấn đề này và đã báo cáo Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng có giải pháp hỗ trợ DN, đó là đảm bảo nguyên tắc không tính trùng.

Tôi lấy ví dụ, công ty mẹ vay về cho công ty con vay lại, chúng ta bảo đảm nguyên tắc không tính trùng nhưng cũng không để họ “qua mặt” để trốn thuế, lách thuế. Ví dụ có thể đề xuất áp dụng nếu đã tính ở công ty con thì có thể cho loại trừ ở công ty mẹ và ngược lại. Tuy nhiên, điều này có thực hiện được hay không thì phải chờ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Tài chính không thể áp dụng ngay được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh (thực hiện)