Quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn,

Quỹ Hỗ trợ nông dân được thành lập từ năm 1995, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại văn bản số 4035/KTTH ngày 26/07/1995 của Văn phòng Chính phủ). Qua gần 29 năm hoạt động, hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Quỹ Hỗ trợ nông dân đã cho vay 15 nghìn tỷ đồng
Quỹ Hỗ trợ nông dân đã cho vay 15 nghìn tỷ đồng. Ảnh: TL

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn toàn hệ thống đến ngày 30/11/2023 đạt khoảng 4.877 tỷ đồng, tổng doanh số cho vay từ khi thành lập đến ngày 30/11/2023 khoảng 15.000 tỷ đồng, dư nợ là 4.550 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp hàng triệu hộ nông dân có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; phát triển nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị, đảm bảo an ninh lương thực; đẩy lùi nạn tín dụng đen khu vực nông thôn; góp phần ổn định chính trị ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý chung liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân để giúp Quỹ hoạt động rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, từng bước tiếp cận dần với các nguyên tắc hoạt động tín dụng chung của thị trường và đồng bộ với các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, Hội Nông dân và các Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp nghiên cứu, trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Đảm bảo vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả

Nghị định số 37/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 8/8/2023, đã quy định các nội dung chính về việc thành lập quỹ; cơ cấu tổ chức bộ máy của quỹ; hoạt động của quỹ; chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, giám sát; đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân; đồng thời bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác kiểm tra trong việc giải ngân, sử dụng vốn đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả.

Quỹ Hỗ trợ nông dân đã cho vay 15 nghìn tỷ đồng
Nguồn vốn vay từ quỹ đã giúp người nông dân phát triển, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: TL

Theo Điều 14, Nghị định số 37/2023/NĐ-CP, đối tượng vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân là hội viên Hội Nông dân Việt Nam có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về điều kiện để được vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, khách hàng vay vốn phải thuộc đối tượng vay vốn, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. Khách hàng vay vốn được UBND cấp xã xác nhận đang cư trú ở địa phương nơi Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay vốn tại thời điểm đề xuất vay vốn từ quỹ.

Ngoài ra, mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp. Phương án vay vốn của khách hàng phải được tập hợp thành phương án chung của nhóm hội viên Hội nông dân cùng sản xuất, kinh doanh một loại hình sản phẩm, trên cùng một địa bàn cấp xã. Phương án vay vốn của từng khách hàng và phương án chung của nhóm hội viên Hội nông dân được Quỹ Hỗ trợ nông dân đánh giá là khả thi, có khả năng trả được nợ vay...

Bên cạnh đó, tại một thời điểm, một khách hàng chỉ được vay vốn tại 1 phương án chung của nhóm hội viên Hội Nông dân từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Các thành viên trong cùng một hộ gia đình không được phát sinh dư nợ vay tại quỹ trong cùng một thời điểm. Các điều kiện cho vay khác quy định cụ thể tại quy định nội bộ về cho vay và quản lý nợ của quỹ do hội đồng quản lý quỹ các cấp ban hành, theo quy định tại Nghị định số 37/2023/NĐ-CP.

Về thời hạn cho vay, Bộ Tài chính cho biết, theo Điều 15, thời hạn cho vay đối với phương án của từng khách hàng và phương án chung của nhóm hội viên Hội Nông dân Việt Nam tại Quỹ Hỗ trợ nông dân được xác định trên cơ sở khả năng thu hồi vốn, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng nhưng tối đa không vượt quá 5 năm (không bao gồm thời gian gia hạn nợ).

Thời gian cho vay cụ thể đối với phương án của từng khách hàng và phương án chung của nhóm hội viên Hội Nông dân do Quỹ Hỗ trợ nông dân xem xét, quyết định. Tổng thời gian gia hạn nợ tối đa không quá 1/2 thời gian cho vay tại hợp đồng tín dụng ký kết lần đầu.

Về giới hạn cho vay, dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của Quỹ Hỗ trợ nông dàn ghi trên báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính 6 tháng gần nhất được hội đồng quản lý phê duyệt. Dư nợ cho vay đối với một phương án chung của nhóm hội viên Hội Nông dân không vượt quá 20% vốn chủ sở hữu của Quỹ Hỗ trợ nông dân ghi trên báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính 6 tháng gần nhất được hội đồng quản lý phê duyệt./.

Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân trình Ban Thường vụ Hội Nông dân cùng cấp quyết định giới hạn cho vay đối với từng khách hàng và phương án chung của nhóm hội viên Hội Nông dân vượt giới hạn cho vay theo quy định.

Đối với phương án vay vốn sử dụng nguồn vốn nhận ủy thác có quy định về giới hạn cho vay khác với quy định của Nghị định số 37/2023/NĐ-CP thì thực hiện theo thỏa thuận đã ký kết với bên ủy thác.