Từ chối hoàn trên 18,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Thanh tra kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, năm 2021, trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hoàn thuế, cơ quan thuế các cấp đã thông báo từ chối không hoàn 18.673 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,8% số tiền đề nghị hoàn.

Đối với thanh tra kiểm tra sau hoàn thuế, 63 cục thuế đã thực hiện được 5.240 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 43.712.208 triệu đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 811.006 triệu đồng. Trong đó, số thuế truy hoàn là 640.585 triệu đồng; phạt là 170.421 triệu đồng; đã nộp ngân sách nhà nước 311.354 triệu đồng.

Quyết tâm chấm dứt tình trạng gian lận tiền hoàn thuế
Ngành Thuế quyết tâm chấm dứt tình trạng gian lận tiền hoàn thuế. Ảnh: TL

Lãnh đạo Cục Thanh tra kiểm tra thuế, cho rằng thời gian qua tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) diễn ra hết sức phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi và liên quan đến nhiều địa bàn.

Để ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, gian lận hoàn thuế GTGT đối với tổ chức, cá nhân liên quan, Cục Thanh tra kiểm tra thuế đã yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra trước hoàn thuế GTGT và thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế GTGT.

Đồng thời thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như đối chiếu xác minh chứng từ, hóa đơn nguồn gốc của hàng hóa mua vào qua các khâu F1, F2, F3..., đến khâu cuối cùng khi có dấu hiệu xuất hóa đơn lòng vòng; kiểm tra thực tế kho hàng, xuất nhập tồn kho hàng hóa, thông tin về giao nhận hàng hóa như phiếu cân, phương tiện vận chuyển, chi phí vận chuyển, bốc xếp so với lượng hàng hóa mua vào, bán ra, số lượng ô tô vận chuyển ra vào, nhật ký quản lý hành trình xe vận chuyển, chi phí phát sinh cho phương tiện vận chuyển như hóa đơn xăng xe, phí đường bộ, người điều khiển xe…, phù hợp với cung đường vận chuyển, chứng từ thanh toán tương ứng với từng lần xuất hàng, việc thực hiện quản lý ấn chỉ, hóa đơn, quá trình tuân thủ pháp luật thuế…

Thực hiện kiểm tra, xác minh hàng hóa mua vào trong trường hợp người nộp thuế có đầu vào mua từ các doanh nghiệp hoạt động tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu, hàng hóa đó; so sánh sự phù hợp giữa hàng hóa, dịch vụ của hóa đơn mua vào và hàng hóa, dịch vụ của hóa đơn bán ra; đối chiếu xác minh, chứng từ thanh toán chuyển tiền mua bán hàng hóa hạch toán tại doanh nghiệp với chứng từ thực tế phát sinh tại ngân hàng cũng như phối hợp với cơ quan hải quan để xác minh nguồn gốc hàng hóa, tờ khai nhập khẩu, phối hợp với cơ quan công an để thực hiện xác minh các giao dịch kinh tế phát sinh…

Ngoài ra, ngành Thuế lập danh sách chi tiết các công ty nước ngoài cần hỗ trợ xác minh theo từng nước, các nội dung cần xác minh cụ thể phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thuế) xác minh, trao đổi với cơ quan thuế các nước quản lý thuế đối với doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu…

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan thuế các cấp đã phát hiện các thủ đoạn, hành vi vi phạm, gian lận trong hoàn thuế đối với mặt hàng tinh bột sắn, dăm gỗ, hạt điều…

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ngăn chặn gian lận trong hoàn thuế

Triển khai yêu cầu của Bộ Tài chính về chống gian lận hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế đã xây dựng và triển khai thống nhất trong ngành các giải pháp giảm thiểu tình trạng giạn lận hoàn thuế GTGT.

Trong đó, Tổng cục Thuế đã thành lập ban chỉ đạo 1385 để tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, chống gian lận chống hoàn thuế GTGT. Ban chỉ đạo 1385 đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thống nhất toàn ngành trong việc triển khai đồng bộ công tác thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao trong hoàn thuế GTGT.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, ghi nhận những thành quả bước đầu toàn ngành đạt được là khá tích cực, tuy nhiên thời gian qua tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế nói riêng và chính sách quản lý nói chung để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT diễn ra hết sức phức tạp.

Để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn chỉ đạo, cần phải xây dựng kế hoạch dài hạn và ngắn hạn; công tác quản lý thuế phải chuyển từ quản lý phân tán sang quản lý tập trung theo quản lý rủi ro, do đó vai trò tham mưu của ban chỉ đạo và các vụ, cục thuộc tổng cục rất quan trọng.

Ngoài ra, ông Cao Anh Tuấn cũng yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố cần chủ động đẩy mạnh rà soát, phát hiện các trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về hoàn thuế để triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn từ xa các trường hợp vi phạm, kịp thời báo cáo tổng cục đối với các vi phạm có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều địa phương hoặc mang tính hệ thống.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra hoàn thuế, đặc biệt đối với các ngành như tinh bột sắn, dăm gỗ, sản phẩm điều… Để xác minh được nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn của các doanh nghiệp, các cục thuế rà soát, đánh giá rủi ro trên cơ sở các chỉ tiêu để lựa chọn các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro…; bố trí nguồn lực phối hợp, rà soát, xác minh các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các doanh nghiệp đang thanh tra kiểm tra hoàn thuế, nghiên cứu kinh nghiệm của một số cục thuế là khi phát hiện các trường hợp thì đưa về cục để giám sát trọng điểm.

Song song với đó, các địa phương triển khai thí điểm hóa đơn điện tử cần nghiên cứu để đề ra các giải pháp xác định các dấu hiệu rủi ro về hoàn thuế, từ đó đề xuất kiến nghị và giải pháp.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế giao, Cục Thanh tra kiểm tra chủ trì phối hợp với các đơn vị chỉ đạo của cục thuế rà soát, kiểm tra ngay đối với các trường hợp rủi ro. Vụ Chính sách, Vụ Pháp chế nghiên cứu, đề xuất căn cứ pháp lý đối với dừng hoàn thuế GTGT trong quá trình chờ xác minh trong khi mua hàng, nhập khẩu hàng, các giao dịch chuyển tiền, kê khai hải quan, xác minh từ cơ quan thuế các nước, các cơ quan ban ngành khác; căn cứ xử lý thu hồi tiền hoàn thuế đối với các trường hợp hoàn thuế mua hàng qua khâu trung gian ngừng, nghỉ, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh; nghiên cứu kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, nhằm từng bước ngăn chặn và phấn đấu chấm dứt tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT./.