Dự toán thu ngân sách năm 2023 là phù hợp, thực tế Quyết toán ngân sách 2021: Điều hành ngân sách chủ động, chặt chẽ, ưu tiên phòng chống dịch Kỷ luật thu, chi ngân sách từng bước được cải thiện

Miễn, giảm, gia hạn 132.418 tỷ đồng thuế, phí, tiền thuê đất

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các chính sách tài khóa đã được điều hành chủ động, tích cực, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch.

Vì vậy, cùng với việc từng bước kiểm soát dịch bệnh, từ cuối quý III/2021, các hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng tích cực, nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ ổn định; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh, quốc phòng được giữ vững.

Quyết toán ngân sách năm 2021: Mức vay giảm 25,1% so với dự toán

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo.

Quyết toán NSNN năm 2021, Chính phủ cho biết dự toán thu là 1.358.084 tỷ đồng; quyết toán là 1.591.411 tỷ đồng, tăng 233.327 tỷ đồng (17,2%) so với dự toán. Tỷ lệ động viên thu NSNN đạt 18,7% GDP, trong đó thu thuế và phí đạt 15,1% GDP.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trong năm 2021, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm, giãn nghĩa vụ thuế và một số khoản thu ngân sách, qua đó giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn và phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, được dư luận đánh giá cao. Tổng số thuế, phí, tiền thuê đất đã miễn, giảm, gia hạn là 132.418 tỷ đồng.

Về chi, dự toán chi NSNN là 1.701.713 tỷ đồng; quyết toán là 1.708.088 tỷ đồng, tăng 6.375 tỷ đồng (0,4%) so với dự toán; trong đó quyết toán chi ngân sách trung ương (NSTW) là 640.914 tỷ đồng, bằng 91% so với dự toán; quyết toán chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 1.067.174 tỷ đồng, bằng 107% so với dự toán.

Năm 2021, NSTW và NSĐP đã chi 97.903 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần tích cực sớm kiểm soát tình hình dịch, đảm bảo an sinh xã hội.

Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên bằng 62,97% tổng chi NSNN; không kể chi tạo nguồn cải cách tiền lương thì bằng 62,4%, theo đúng định hướng Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN. Chi đầu tư quyết toán là 540.046 tỷ đồng, tăng 60.478 tỷ đồng (12,6%) so với dự toán.

Chi trả nợ lãi theo dự toán là 110.065 tỷ đồng; quyết toán là 101.778 tỷ đồng, giảm 8.287 tỷ đồng (7,5%) so với dự toán, chủ yếu do số phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2020 và 2021 thấp hơn dự toán, phù hợp với tiến độ thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư, kết hợp với lãi suất phát hành thấp hơn dự kiến, qua đó làm giảm chi trả lãi cho NSTW.

Tổng hợp chung, năm 2021, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện chi ngân sách bám sát dự toán được giao; rà soát, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; việc quản lý sử dụng kinh phí NSNN ở một số bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn báo cáo quyết toán chưa đảm bảo theo đúng quy định.

Quyết toán ngân sách năm 2021: Mức vay giảm 25,1% so với dự toán
Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 24/5.

Xử lý hơn 3.800 tổ chức, cá nhân có sai phạm về tài chính, ngân sách

Tại báo cáo, Chính phủ cũng nêu các kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vi phạm, thu hồi các khoản trốn, lậu thuế, các khoản chi sai chế độ.

Tổng số kiến nghị liên quan đến NSNN (không bao gồm các kiến nghị xử lý khác) là 25.396 tỷ đồng. Qua tổng hợp số liệu đến ngày 31/3/2023, số các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện là 22.151 tỷ đồng, đạt 87,2% số kiến nghị.

Trong quá trình kiểm toán NSNN, năm 2021, Kiểm toán Nhà nước có 198 kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ các văn bản, bao gồm: 91 kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm chủ trì của các bộ, ngành, địa phương; 107 kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ các văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác.

Trong số 91 kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách, đến nay, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã hoàn thành 23 kiến nghị; đang triển khai thực hiện 68 kiến nghị còn lại.

Liên quan đến xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm về tài chính, ngân sách đối với quyết toán NSNN năm 2020 theo kiến nghị của KTNN, Chính phủ cho biết có 1.444 tổ chức bị đề nghị xử lý. Tính đến ngày 31/3/2023, đã xem xét xử lý là 1.295 tổ chức, chiếm 89,68%; đang xử lý 127 tổ chức, chiếm 8,80%; chưa xử lý 22 tổ chức, chiếm 1,52%.

Đối với cá nhân, tổng số đề nghị xử lý là 2.735. Tính đến ngày 31/3/2023, đã xử lý là 2.519 người, chiếm 92,1%; đang xử lý 200 người, chiếm 7,31%; chưa xử lý 16 người, chiếm 0,59%.

Bội chi giảm 37,7% so với dự toán

Năm 2021, dự toán bội chi NSNN là 343.670 tỷ đồng, bằng 4% GDP; quyết toán là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện, giảm 129.617 tỷ đồng (37,7%) so với dự toán. Dự toán mức vay của NSNN là 608.569 tỷ đồng; quyết toán là 455.927 tỷ đồng, giảm 152.642 tỷ đồng (25,1%) so với dự toán.

Đến cuối năm 2021, tổng số nợ công là 3.616.484 tỷ đồng, bằng 42,65% so với GDP, trong đó: nợ Chính phủ bằng 38,73% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh bằng 3,78% GDP; nợ Chính quyền địa phương bằng 0,56% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN là 21,47%. Như vậy, các chỉ tiêu nợ công năm 2021 trong giới hạn cho phép của Quốc hội.