Phát biểu tại buổi làm việc ngày 8/7, Phó Cục trưởng Cục Thuế Lê Long cho biết, chuyến thăm và làm việc lần này là dấu mốc quan trọng, không chỉ thể hiện mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam - Tanzania, mà còn là cơ hội quý báu để hai bên cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế, một trong những trụ cột trọng yếu của quản trị quốc gia.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Lê Long phát biểu tại buổi làm việc. |
Việt Nam trong những năm qua đã và đang tiến hành những cải cách mạnh mẽ, toàn diện về chính sách thuế và quản lý thuế. Trong đó, nổi bật là việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Quản lý thuế - văn bản pháp lý cốt lõi điều chỉnh toàn bộ hoạt động thuế trong nước.
Song song với đó, Việt Nam cũng đang triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn ngành Thuế, hướng đến xây dựng hệ thống thuế điện tử hiện đại, minh bạch, hiệu quả và lấy người nộp thuế làm trung tâm.
Hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc, các nền tảng dịch vụ thuế điện tử như: eTax, eTax Mobile, Cổng thông tin thương mại điện tử, cùng với việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư để sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế là những ví dụ điển hình cho bước chuyển đổi này.
Phó Cục trưởng Lê Long nhấn mạnh: “Cơ quan Thuế Việt Nam cũng rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ và xây dựng một nền hành chính thuế chuyên nghiệp, thân thiện, hiện đại, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững”.
Tại buổi làm việc, bà Maimuna Kibenga Tarishi - Trưởng đoàn chia sẻ, Ủy ban Cải cách Thuế Tanzania được lập ra với mục tiêu chính của là rà soát hệ thống thuế quốc gia, từ đó xây dựng một môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời tạo động lực huy động hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế quốc dân.
![]() |
Bà Maimuna Kibenga Tarishi - Ủy ban Cải cách Thuế Tanzania chia sẻ tại buổi làm việc. |
Theo bà Maimuna Kibenga Tarishi, Ủy ban Cải cách Thuế Tanzania đánh giá rất cao hành trình cải cách thuế mà Việt Nam đã thực hiện trong những năm qua và những thành tựu đáng ghi nhận mà ngành Thuế Việt Nam đã đạt được, đồng thời tin tưởng rằng, chuyến thăm lần này không chỉ là dịp để học hỏi kinh nghiệm quý báu, mà còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa cơ quan thuế hai nước Tanzania và Việt Nam.
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban Cải cách Thuế Tanzania là học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Chúng tôi lựa chọn Việt Nam là một trong những quốc gia để nghiên cứu, tìm hiểu cách thức mà các quốc gia khác - trong đó có Việt Nam - đã vượt qua các thách thức tương tự trong quá trình cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế. Qua đó, chúng tôi kỳ vọng có thể vận dụng các thông lệ quốc tế tốt vào tiến trình cải cách thuế của Tanzania” - bà Maimuna Kibenga Tarishi nhấn mạnh.
![]() |
Các đại biểu tham gia buổi làm việc tham gia chụp ảnh lưu niệm. |
Dự kiến ngày 9/7, Đoàn công tác của Ủy ban Cải cách thuế Tanzania sẽ làm việc tại Cục Thuế với các nội dung về chiến lược của Cục Thuế trong việc xác định các nguồn thu tiềm năng và nâng cao hiệu quả quản lý thu; Quản lý và thu ngân sách từ khu vực kinh tế phi chính thức; Chính sách thuế đối với khu vực nông nghiệp; Các chiến lược thúc đẩy tuân thủ thuế tự nguyện...;
Thuế đối với nền kinh tế số; hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử.
Kinh nghiệm về cơ chế giải quyết tranh chấp về thuế; Quy trình xử lý tranh chấp thuế; Cơ chế giải quyết tranh chấp thuế thay thế; Hiệu quả của quy trình giải quyết tranh chấp thuế; Quản lý hoàn thuế; Quản lý miễn thuế; Thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế; Gia hạn nộp thuế; Cơ cấu lại nợ thuế...
Vai trò của chính quyền cấp tỉnh/địa phương trong công tác thu ngân sách nhà nước (ví dụ: thuế tài sản, thuế đất đai và thuế trong lĩnh vực nông nghiệp); Phối hợp giữa chính quyền địa phương và Cục Thuế trong công tác thu ngân sách nhà nước; Những bài học kinh nghiệm từ chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam trong việc thúc đẩy đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức.../.