Ngày 7/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 197/2025/NĐ-CP về quy định trình tự, thủ tục thành lập, chế độ làm việc, trách nhiệm, kinh phí hoạt động và bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội.

Kiện toàn, nâng cao năng lực Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội chủ trì phiên họp thường kỳ quý I/2025 của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội.

Nghị định được ban hành nhằm kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội, với mục tiêu không để chậm trễ, không bỏ sót công việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đồng thời đảm bảo quán triệt, phù hợp với định hướng, chỉ đạo của Trung ương về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong bối cảnh, tình hình mới.

Nghị định số 197/2025/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp đối với Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội tại Nghị định số 19-CP ngày 16/02/1995 về việc thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và hướng dẫn, cụ thể hoá hơn các quy định có liên quan đến Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Theo đó, Nghị định số 197/2025/NĐ-CP quy định, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thông qua chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội, kế hoạch dài hạn, 5 năm về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chiến lược đầu tư dài hạn trước khi cơ quan Bảo hiểm xã hội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Kế hoạch hằng năm về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thông qua các báo cáo hằng năm về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tình hình quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trước khi cơ quan Bảo hiểm xã hội trình cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, thông qua dự toán hằng năm về thu, chi các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; báo cáo quyết toán về chi tổ chức và hoạt động Bảo hiểm xã hội trước khi cơ quan Bảo hiểm xã hội trình cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó, thông qua đề án, phương án bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, hoạt động Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội theo mô hình mới đã khắc phục việc dùng chung con dấu hình Quốc huy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đảm bảo tính chất hoạt động độc lập của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội với vai trò giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giám sát hoạt động của cơ quan Bảo hiểm xã hội và tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Kiện toàn, nâng cao năng lực Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Nguyễn Văn Cường.

Nghị định được kỳ vọng là giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giúp Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội thuận lợi trong công tác chỉ đạo phù hợp với vị trí pháp lý mới đối với các hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Nghị định số 197/2025/NĐ-CP tiếp tục kế thừa, phát huy những ưu điểm khi quy định việc các thành viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội là đại diện của các bộ, ngành, cơ quan được sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành, cơ quan mình để tham mưu giúp việc.

Kinh phí hoạt động của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội và bộ máy giúp việc được bố trí trong dự toán chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật…

Đây là bước đi cụ thể hóa, đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đồng thời, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả không phát sinh thêm đầu mối và biên chế theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW./.

Cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội

Nghị định số 197/2025/NĐ-CP quy định, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội đảm bảo tỷ lệ tham gia của cơ chế 3 bên (Nhà nước; người sử dụng lao động; người lao động). Trong đó, có Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội thực hiện nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo tính độc lập, khách quan nhất định khi “Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội do Chính phủ thành lập, gồm Chủ tịch là Bộ trưởng Bộ Tài chính, 1 Phó Chủ tịch và các uỷ viên”.

Các ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội gồm: đại diện lãnh đạo cấp phó thủ trưởng của các cơ quan, bộ, ngành gồm: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.