Điểm kích nổ phát triển khoa học công nghệ chính là nhân tài

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), ngay từ đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thông tin đến Quốc hội: có đến 112 đại biểu Quốc hội bấm nút chất vấn, một con số kỷ lục, cao hơn số đại biểu Quốc hội bấm nút chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội từ đầu phiên là 99 đại biểu

Bấm nút chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn: Bao nhiêu đề tài được đưa vào sử dụng, ứng dụng, bao nhiêu đề tài còn để trong ngăn kéo và giải pháp giúp bứt phá về công nghệ.

Rất khó xác định có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học để trong
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu trước phiên chất vấn của Quốc hội.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc tính toán bao nhiêu đề tài đã được đưa vào ứng dụng, thì “cái đó rất khó xác định”. Theo Bộ trưởng, đề tài nghiên cứu khoa học có rủi ro và độ trễ, do đó, để có số liệu chính xác, sẽ thống kê cung cấp cho đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến cải tiến đổi mới, sáng tạo. Chính phủ đã bố trí kinh phí cho Bộ KHCN để đáp ứng sự nghiệp, hoạt động khoa học công nghệ.

Theo Bộ trưởng, do KHCN là ngành mang tính đặc thù, với những đề tài nghiên cứu có thể thành công hoặc thất bại, nên rất khó xác định có bao nhiêu đề tài thành công được áp dụng vào thực tế. Điều quan trọng là xác định được các kết quả đó phục vụ cho kinh tế - xã hội nhưng cũng đồng thời phục vụ cho nâng cao khả năng nghiên cứu của các nhà khoa học, tăng cao uy tín cho các viện nghiên cứu và các trường đại học. Nhà nước đang có nhiều chính sách để chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ nhà trường, phòng thí nghiệm ra ngoài xã hội.

Đầu tiên đó là đầu tư vào công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và sáng tạo. Đầu tư về nguồn lực, cơ chế và chính sách để giúp các nhà khoa học có điều kiện, tâm thế để sẵn sàng cống hiến cho khoa học. Bộ trưởng tin rằng nếu đầu tư đúng mức, tạo điều kiện phù hợp sẽ giúp các nhà khoa học có thể phát huy được hết các khả năng để tạo điều kiện bứt phá về công nghệ.

Chưa đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt về các giải pháp đột phá trong thời gian tới để KHCN Việt Nam bứt phá, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng: “Điểm kích nổ trong chính sách để Việt Nam bứt phá đó chính là nhân tài, chỉ có nhân tài KHCN mới có thể thay đổi diện mạo cho KHCN Việt Nam, những ứng dụng KHCN hiện đại trong nhiều lĩnh vực, nếu không làm được, chúng ta sẽ thua xa với các nước. Thứ tự ưu tiên trong lựa chọn chính sách kích nổ trong KHCN đó là nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, CNTT, công nghệ đổi mới blockchain”.

Sẽ có mức khung, mức trần chi ngân sách cho khoa học công nghệ

Đại biểu Quốc hội Phùng Thanh Phương (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng: Nhà nước đã có những giải pháp, chính sách gì để nâng cao năng lực tự chủ, đảm bảo vai trò đi đầu, đủ khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về tự chủ, tài chính cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, nhà nước. Đây là nghị định tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp phát huy tự chủ của mình để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Rất khó xác định có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học để trong
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bấm nút tranh luận tham mưu cho Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt về giải pháp để KHCN Việt Nam bứt phá.

“Tuy nhiên phải nói rằng các đơn vị sự nghiệp ở nước ta có rất nhiều loại hình, mỗi hệ thống lại có tính chất khác nhau, cho nên Nghị định 60/2021/NĐ-CP không điều chỉnh được những đặc thù của lĩnh vực KHCN, điển hình như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển... dẫn tới khi triển khai có nhiều vướng mắc" - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Về hướng giải quyết, Bộ KHCN đã khuyến nghị xây dựng nghị định riêng cho các tổ chức KHCN công lập theo hướng toàn diện hơn, tự chủ về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, về tài chính và quản lý.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Long An) đề nghị Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá hiệu quả và nêu rõ các số liệu liên quan đến chi đầu tư phát triển và tổng chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ từ năm 2017 cho đến nay? Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng giải trình rõ vì sao tình trạng phân bổ kinh phí sự nghiệp trong lĩnh vực này còn dàn trải, liệu có gây ra lãng phí hay không? Trách nhiệm thuộc về ai và khi nào các vấn đề này có thể xử lý được?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận, đây là vấn đề thực tế tại Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng Bộ KHCN đã có giải pháp để trong thời gian tới giúp cho số nhiệm vụ, ngân sách tiền chi cho các nhiệm vụ KHCN đảm bảo được hiệu quả.

Theo đó, giải pháp được Bộ KHCN đưa ra là phê duyệt 19 chương trình KHCN với mục tiêu, yêu cầu, dự kiến sản phẩm... với những nội dung cụ thể. Đây là cơ sở để hình thành khung số lượng cũng như mức trần của ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ KHCN. Bộ trưởng cho rằng, đây sẽ là các giải pháp căn cơ để thực hiện trong thời gian tới.

Chất vấn về đẩy mạnh ứng dụng và triển khai thành tựu KHCN vào cuộc sống

Nội dung chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tập trung vào nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.

Ngoài ra, nội dung chất vấn cũng liên quan tới việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua; việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Một trong những vấn đề dư luận quan tâm khác sẽ được chất vấn đó là, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.