Lựa chọn của một quốc gia có trách nhiệm
Sáng 9/5, phát biểu tại hội trường về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) chưa đồng tình với phương án thuế suất đối với nước giải khát có đường tiêu chuẩn Việt Nam 5g trên 100 ml là 8% - 10% và lùi đến năm 2027, 2028 như dự thảo mới sửa đổi.
Theo đại biểu, mức thuế như vậy là quá chậm, quá thấp và chưa đúng quan điểm, mục tiêu xây dựng dự án luật chưa phù hợp với kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 176 của Văn phòng Trung ương Đảng. Đó là “đặt sức khỏe và công tác chăm sóc sức khỏe lên vị trí chiến lược, ưu tiên trong tất cả các chiến lược, chính sách phát triển”.
![]() |
Đại biểu Lê Hoàng Anh phát biểu tại hội trường. |
Đại biểu nêu rõ, lập luận rằng áp thuế 10% có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng hay cần cân bằng giữa mục tiêu sức khỏe và mục tiêu tăng trưởng chỉ đúng trong điều kiện lý tưởng khi Việt Nam không phải đối mặt với một đại dịch thầm lặng mang tên là bệnh không lây nhiễm đang tàn phá từng gia đình.
Theo đại biểu Lê Hoàng Anh, mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng phi mã từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên tới 6,67 tỷ lít năm 2023, tương đương mức tăng 420% trung bình mỗi người Việt tiêu thụ hơn 70 lít một năm, gấp đôi mức khuyến nghị để đảm bảo sức khỏe. Không kể sản xuất trong nước, giá trị nhập khẩu loại đồ uống này cũng tiếp tục tăng qua các năm. |
“Hơn 21 triệu người Việt trưởng thành mắc bệnh tim mạch, tương đương một phần tư dân số nước ta, trong đó 200.000 người chết mỗi năm vì bệnh không lây nhiễm này tương đương với toàn bộ dân số của quận Ba Đình, Hà Nội”, đại biểu dẫn số liệu và so sánh.
Cũng theo đại biểu, có hơn 5.000.000 người Việt đang sống chung với tiểu đường. 40% trẻ em thành thị bị thừa cân, béo phì và đồ uống có đường vốn không có giá trị dinh dưỡng đáng kể lại là một trong số ít thủ phạm chính. Việc tiêu thụ đồ có đường ngày càng nhiều còn có khả năng gia tăng nguy cơ ung thư. Tính đến năm 2024, Việt Nam có hơn 360.000 người đang mắc bệnh ung thư, mỗi năm có khoảng 180.000 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong,
Không chỉ là câu chuyện chính sách thuế, đại biểu cho rằng đây còn là lựa chọn chiến lược của một quốc gia có trách nhiệm. Thái Lan đã áp thuế từ năm 2017, ngay sau áp thuế thì tiêu dùng giảm ngay và được kiềm chế. Philippines, Malaysia thu hàng tỷ đô la từ thuế này, nhưng quan trọng hơn họ đã giảm tỷ lệ bệnh tật. Các nước Brunei, Đông Timor cũng có hành động tương tự.
Bảo vệ cộng đồng và định hướng sản xuất có trách nhiệm
Việc áp thuế đủ mạnh, theo đại biểu là một phần của cam kết phát triển bền vững mà Việt Nam đã tuyên bố với thế giới. Quốc hội và đại biểu Quốc hội đại diện cho nhân dân có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và định hướng sản xuất có trách nhiệm. |
Đối với Việt Nam, chúng ta mới chỉ “bàn”, theo hướng để đạt được tiêu chí ba nhất so với các quốc gia trong khu vực. Đó là mức thuế thấp nhất, tác động ít nhất tới giá bán lẻ và giảm ít nhất số người sử dụng.
“Nếu hôm nay chúng ta không hành động, ngày mai chúng ta sẽ trả giá bằng ngân sách y tế, bằng năng suất lao động và bằng chính sinh mệnh của người dân”, đại biểu nêu trăn trở.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị không giảm thuế suất xuống 8% như dự thảo mới, mà giữ mức 10% từ năm 2026 và 20% từ năm 2030. Đồng thời, bổ sung mức thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường như mô hình Thái Lan đã áp dụng.
![]() |
Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 9/5. |
“Đây không chỉ là chuyện đường mà là đạo đức đằng sau mỗi sản phẩm hấp dẫn vị giác. Đó còn là hệ lụy hậu quả về sức khỏe và những câu chuyện đau lòng về môi trường động vật và con người, một xã hội văn minh là xã hội biết chọn điều đúng đắn dù điều đó không dễ dàng. Đây không chỉ là câu chuyện của ngành y tế, của chính sách thuế để tăng ngân sách, hay thay đổi hành vi tiêu dùng mà lời là lời nhắc về trách nhiệm, đạo đức của từng cá nhân, từng doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị, trong đó các vị đại biểu Quốc hội chúng ta”, đại biểu khẳng định.
Về yếu tố tác động kinh tế, đại biểu phân tích chính sách thuế này không nhắm vào việc cấm đoán, mà tạo động lực cho lựa chọn đúng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Đề xuất nêu trên sẽ giảm bệnh, giảm gánh nặng y tế, tái phân phối trách nhiệm tài chính. Những ai gây hại sức khỏe cộng đồng phải góp phần khắc phục, giảm chi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng chữa bệnh không lây nhiễm của người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030, 2035 như kết luận của Tổng Bí thư.
Ngoài đồ uống có đường, đại biểu cũng đề nghị ít nhất giữ phương án đánh thuế cao đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá, theo dự thảo Chính phủ đã trình tại Kỳ họp thứ 8.
“Những sản phẩm gây hại cho sức khỏe thì không thể có mức thuế mang tính động viên, chia sẻ, đồng hành như vậy còn hệ lụy hậu quả người dân gánh chịu. Một chính sách thuế tuy nhỏ nhưng là lời tuyên bố mạnh mẽ, Việt Nam không đánh đổi sức khỏe nhân dân, lấy tăng trưởng thuần túy”, đại biểu nhấn mạnh./.