Từ khi Luật BHTG được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua vào ngày 18/6/2012 và chính thức có hiệu lực từ 01/01/2013 tới nay, quá trình thực thi kéo dài 10 năm với nhiều kết quả tích cực. Các quy định của Luật BHTG đã đi vào cuộc sống, tiếp tục phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Với việc luật hóa và cụ thể hóa nhiều nội dung, Luật BHTG đã nâng cao hiệu lực cũng như khả năng thực thi của chính sách BHTG, đưa chủ trương bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng lên một tầm cao mới.

Luật này đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về BHTG, tổ chức BHTG, tổ chức tham gia BHTG cũng như quy định về quyền lợi của người gửi tiền, qua đó tạo ra hành lang thông thoáng, rõ ràng cho hoạt động BHTG.

Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, gồm 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô.

Tuy nhiên, song hành với sự chuyển mình của ngành Ngân hàng, các cơ chế, chính sách tại Việt Nam đã nhiều lần được sửa đổi. Tiêu biểu là Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) đã trao thêm chức năng, nhiệm vụ tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cho BHTGVN. Việc các chức năng, nhiệm vụ mới này chưa được quy định trong Luật BHTG đã tạo ra một độ vênh nhất định về khuôn khổ pháp lý và cơ chế thực hiện.

Ngoài ra, các đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều nhấn mạnh việc sử dụng nguồn lực của BHTGVN nhằm hỗ trợ phục hồi, xử lý các TCTD quy mô nhỏ gặp vấn đề. Để tạo hành lang pháp lý triển khai những chủ trương này, cần có quy định cụ thể trong Luật BHTG và đảm bảo sự thống nhất của luật này với các luật có liên quan.

Sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền
Bảo hiểm tiền gửi góp phần bảo vệ người gửi tiền, bảo vệ an toàn hệ thống ngân hàng.

Chính vì vậy, tại Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng đã chỉ đạo nhóm giải pháp về cơ sở pháp lý cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của TCTD có nội dung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các TCTD, Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng: Nghiên cứu, xây dựng và bổ sung cơ chế hỗ trợ cho các TCTD tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tài chính và hoạt động; Nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém; Nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá khoản nợ, đảm bảo khách quan trong việc thẩm định giá của các khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu).

Đồng thời, đề án cũng xác định nguồn lực thực hiện các giải pháp tái cơ cấu bao gồm nguồn từ trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nguồn tiền từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền; quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG; nguồn lực từ ngân sách nhà nước; các nguồn lực hợp pháp khác.

Bên cạnh đó, trước những biến động của nền kinh tế thế giới thời gian qua, nhiều quốc gia cũng đã có động thái sửa đổi, bổ sung chính sách BHTG theo hướng nâng cao vai trò và gia tăng công cụ xử lý của tổ chức BHTG nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng tài chính.

Có thể kể tới như Canada, Malaysia, Geogia đã thông qua Luật BHTG sửa đổi, Bangladesh đã đệ trình dự luật BHTG sửa đổi lên Quốc hội. Tại Hàn Quốc, các cơ quan quản lý ngành tài chính cũng đã bàn thảo về việc trao thẩm quyền cho Tổng công ty BHTG can thiệp sớm, vào cuộc hỗ trợ cho các công ty tài chính gặp vấn đề.

Có thể thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG được đặt ra ở thời điểm này là khẩn thiết, có tính chất nền tảng nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, bảo vệ an toàn hệ thống ngân hàng.

Theo thông tin từ BHTGVN, tổ chức tài chính nhà nước này đã thực hiện đánh giá, tổng kết quá trình triển khai Luật BHTG. Đồng thời, đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế; nâng cao vị thế, vai trò của BHTGVN để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD; qua đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền./.