Sử dụng rượu bia ngày càng tăng ở mức báo động
Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 căn bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức tiêu thụ rượu bia đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Số liệu Báo cáo toàn cầu năm 2018 ghi nhận, mức tiêu thụ rượu bia bình quân trên người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người (2005) lên 8,3 lít/người năm 2018. Con số này cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít/người. Số lượng tiêu thụ như trên đã đưa Việt Nam vào top 2 ở khu vực Đông Nam Á, top 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.

Ngoài ra, tình trạng uống rượu bia quá độ đến mức nguy hại cũng đã trở nên rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam, chiếm 44,2% nam giới (số liệu năm 2015), tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (25,1%).

Theo TS.Trần Quốc Bảo, hiện công tác tại Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca tử vong do rượu bia đang ở mức khá cao. Tác hại của bia rượu tạo nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và làm gia tăng các vấn đề xã hội.

Trung bình, mỗi năm có khoảng hơn 548.000 trường hợp tử vong do các bệnh lý ung thư, tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác. Trong số đó, có khoảng hơn 40.800 ca tử vong được xác định là có liên quan đến bia rượu (chiếm khoảng 7,5%).

TS.Trần Quốc Bảo cho biết thêm, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 căn bệnh, chấn thương, là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật thuộc danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Trong số 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, rượu bia là yếu tố đứng hàng thứ 2.

Tiêu thụ rượu bia cũng đóng vai trò là nguyên nhân hàng đầu gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Nó cũng góp phần đào sâu tình trạng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế xã hội, gây ảnh hưởng đến các nỗ lực giảm nghèo bền vững.