Những con số biết nói

Trao đổi với phóng viên TBTCVN về câu chuyện liên quan đến “sức khỏe” của doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, các con số thống kê về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 đã nói lên nhiều điều.

Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong tháng 5, cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 103.700 tỷ đồng và số lao động đăng ký 74.600 lao động, giảm 24,2% về số doanh nghiệp, giảm 32,9% về vốn đăng ký và giảm 37,4% về số lao động so với tháng 4/2023.

Trong đó, thể hiện rõ nhất là lượng doanh nghiệp đang tồn tại, trụ vững được trên thị trường đang ngày càng giảm. Bởi lẽ, số doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng nhanh, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới giảm. Sau khi có dấu hiệu tích cực hơn trong tháng 4 với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng hơn so với tháng trước đó thì xu hướng giảm lại tiếp tục trong tháng 5. Thậm chí, nếu so với cùng kỳ năm trước, còn giảm đến 9,5% về lượng, giảm 17,5% về số vốn đăng ký.

Cũng theo số liệu thống kê, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục có xu hướng giảm (giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm kể từ 2019 đến nay). Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,2 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 tháng đầu năm kể từ năm 2017. Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động cũng giảm tới 51% so với cùng kỳ 2022. Điều này cho thấy khả năng huy động vốn của doanh nghiệp ngày càng thấp và quy mô của doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi" - ông Nam phân tích.

“Sức khỏe” của doanh nghiệp qua những con số biết nói
Doanh nghiệp ngành Dệt may hướng tới thị trường ngách để ổn định xuất khẩu trở lại. Ảnh: TL

Tổng thư ký VINASME đánh giá, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, gỗ, sắt thép, xi măng... cũng cho thấy doanh nghiệp đang đứng trước tình trạng khan hiếm đơn hàng và theo hiệu ứng ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất. Sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia nhập khẩu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam...

Số liệu thống kê cho thấy, bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường và có 19.000 doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động.

“Doanh nghiệp hiện thực sự đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang loay hoay và chật vật duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, “sức khỏe" tài chính rất yếu kém do đơn hàng khan hiếm, hiệu quả kinh doanh chưa cao, khả năng sinh lời thấp khiến cạn kiệt dòng tiền trong khi đó khó tiếp cận vốn vay của ngân hàng. Điều đó đặt doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước” - ông Nam nhấn mạnh.

Trong khó khăn vẫn mở ra "cửa sáng"

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận lạc quan, trong nguy có cơ, bất kỳ cuộc khủng khoảng nào xảy ra cũng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp vươn lên.

“Sức khỏe” của doanh nghiệp qua những con số biết nói
Việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí... sẽ góp phần không nhỏ để vực dậy sản xuất và thị trường. Ảnh: TL

Theo các chuyên gia, năm 2023, chứng kiến những xu hướng thay đổi, có những doanh nghiệp mở ra lĩnh vực kinh doanh mới và phát triển. Đồng Giám đốc Điều hành của HSBC châu Á - Thái Bình Dương ông David Liao nhấn mạnh, ở ASEAN, ngành sản xuất ô tô, điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thương mại điện tử và công nghệ tài chính sẽ là những lĩnh vực tăng trưởng chính yếu của khu vực. Chỉ mới đây thôi, Việt Nam vừa trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia trong năm 2022. Đây là rõ ràng là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt tận dụng, phát triển.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), bối cảnh thế giới mặc dù nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều thuận lợi nếu doanh nghiệp Việt biết cách tận dụng. Tại thị trường trong nước, các mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử phát triển nhanh, đa dạng. Đây là kênh tìm kiếm và tiếp cận thị trường tuyệt vời cho doanh nghiệp.

Về thị trường xuất khẩu, bên cạnh sự phục hồi của một số thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, một đối tác nhập khẩu khổng lồ của nước ta là Trung Quốc đã mở cửa trở lại với các quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch... Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc và nhiều quốc gia khác dự báo tăng trưởng nửa cuối năm, nhất là gạo. “Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy tăng cường thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, còn kinh tế số sẽ trở thành “xương sống” cho thương mại” - ông David Liao nhận định.

Đáng chú ý, có thể thấy, đến thời điểm này, những vấn đề khó khăn, thách thức với hoạt động sản xuất kinh doanh đã được Chính phủ nhận diện trúng và có những hành động, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt. Theo đó, nhiều dự án đầu tư công được gấp rút triển khai; thị trường chứng khoán phục hồi dần; áp lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, áp lực khôi phục niềm tin trên thị trường tài chính ngày càng mạnh mở ra cơ hội, môi trường để doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Đặc biệt, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất…trong thời gian tới được nhận định sẽ góp phần không nhỏ để vực dậy sản xuất và thị trường.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Những vướng mắc doanh nghiệp đề cập nhiều nhất đã được Thủ tướng yêu cầu giải quyết ngay sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn cho nền kinh tế. Điều quan trọng là làm sao sớm đưa các chính sách đi vào thực tiễn.

Cũng theo các chuyên gia, đây là thời điểm để doanh nghiệp nhìn nhận, rà soát lại hoạt động của mình về cơ cấu, quản trị, hoạt động, hiệu quả, năng suất, đối tác làm ăn và hướng đến việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo... "Doanh nghiệp phải nhận ra đâu là năng lực cạnh tranh cốt lõi của mình để tập trung phát huy và linh động, tận dụng những lợi thế quy mô nhỏ và vừa để thay đổi, để thích nghi. Đặc biệt, xuất khẩu cần hướng đến các thị trường đang ổn định và thị trường ngách" - ông Nam khuyến nghị./.