Tác nghiệp trong vùng dịch
Nhà báo Gia Cư tác nghiệp ở giữa vùng dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Chai nước suối và ổ bánh mỳ

Những ngày đầu tháng 9/2021, TP. Hồ Chí Minh không chỉ là tâm dịch, mà còn là cao điểm của dịch Covid -19 trên cả nước. Mọi hoạt động xã hội gần như “đóng băng”, duy chỉ có những người trong các cơ quan được giao nhiệm vụ đặc biệt mới được phép đi lại, mọi hoạt động từ đi lại, mua bán gặp rất nhiều khó khăn.

Trước đó, với danh nghĩa cá nhân và “cái tâm” của một nhà báo, tôi đã vận dụng tối đa các mối quan hệ riêng có để liên hệ với bạn bè, với các tổ chức, đơn vị, địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung kêu gọi “ké” được vài chuyến hàng thực phẩm, khoảng mươi tấn bao gồm: gạo, rau củ quả các loại về phát cho bà con trong khu vực sinh sống.

Sau vài chuyến hàng đó, cũng là thời điểm TP. Hồ Chí Minh có chủ trương giao việc vận động, quyên góp, ủng hộ, tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ bà con cho các đoàn thể và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) các cấp chủ trì đầu mối. Đồng thời, cũng là lúc cao điểm “phong tỏa” thắt chặt việc đi lại trên địa bàn thành phố.

Tôi cũng đã được tận mắt chứng kiến, nhiều người dân sống trong vùng dịch, tại những điểm cách ly phong tỏa, từ bên trong hàng rào chắn họ bày tỏ cảm xúc, họ vui và cảm động như thế nào khi hàng cứu trợ đến đúng lúc, đến tận tay, đến những nơi cần đến. Trong số ấy, nhiều người đã khóc vì xúc động thay lời cảm ơn thường ngày!

Ngày 14 và 15/9/2021, Văn phòng Bộ Tài chính có thông báo triển khai tặng 10.000 túi quà an sinh cho bà con vùng dịch (Bình Dương 4.000 xuất, TP. Hồ Chí Minh 6.000 xuất). Nhận lệnh chỉ đạo của lãnh đạo tòa soạn, tôi cùng với đồng nghiệp Văn phòng TP. Hồ Chí Minh bàn, lên kế hoạch triển khai việc tác nghiệp đưa thông tin, hình ảnh về hoạt động này trong điều kiện di chuyển vô cùng khó khăn, nhưng phải nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Ngày 15/9, khoác chiếc máy ảnh, cầm ổ bánh mỳ, chai nước lọc, tôi di chuyển bằng xe gắn máy đến địa điểm tác nghiệp. Đường sá vắng vẻ, đi được một lúc lại nghe tiếng còi hú rợn người. Vì phải tuyệt đối tuân thủ quy định về phòng chống dịch, test nhanh Covid-19 do phải đi qua con hẻm đang bị phong tỏa, cách ly.

Vượt qua 5 trạm kiểm soát liên ngành với rất nhiều thủ tục và các quy định kiểm dịch ngặt nghèo nhằm ngăn chặn tối đa nguồn dịch lây lan. Từ nhà đến Cung Văn hóa Lao động thành phố chừng 6 km mà chúng tôi phải di chuyển mất hơn 1 giờ đồng hồ mới đến được nơi cần đến. Hàng hóa chủ yếu là gạo, mỳ tôm, mắm muối, dầu ăn các loại… được tập kết sẵn tại căn phòng khá rộng, lực lượng vận chuyển, bốc xếp chủ yếu là bộ đội, đoàn thanh niên xung kích được tăng cường phối hợp vận chuyển đến và trao cho người dân…

Buổi lễ được tổ chức vội vàng, hạn chế đông người, nhưng cũng không kém phần trang trọng và ý nghĩa với lời cảm ơn qua lại thật ấm tình người. Trên đường về nhà, tất nhiên là không thể đi lại đường cũ, nhưng cũng phải mất 4 trạm kiểm soát nữa với hơn 1 giờ đồng hồ mới về đến nhà.

Chưa hết, vừa bước vào ngõ, lực lượng bảo vệ khu phố lại yêu cầu phun xịt hóa chất khử trùng. Đến khi chuẩn bị bước vào trong nhà lại một thủ tục nữa phun xịt khử trùng, thay đồ, lột khẩu trang, áo mưa, kính bảo hộ, tôi mới cảm thấy hít thở được không khí được cho là của riêng mình.

Không thể chậm khi dân chờ gạo

TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2021 không chỉ là cao điểm của dịch Covid-19 mà còn là cao điểm của mùa mưa. Yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, của thành phố là bằng mọi giá không để ai phải thiếu đói, không ai bị bỏ lại phía sau.

Góp cùng hàng trăm, hàng ngàn tổ chức, đoàn thể khắp nơi trên cả nước đang hàng ngày vì thành phố bằng mọi hoạt động thiện nguyện, không thể thiếu một lực lượng, một hoạt động mang tính cấp bách là bằng mọi cách đưa nguồn gạo dự trữ quốc gia đến với người dân vùng dịch nhanh nhất, kịp thời nhất, hiệu quả nhất.

Lần này, tôi lại may mắn được tham gia tác nghiệp cùng đoàn hỗ trợ gạo của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam bộ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, phản ánh việc bàn giao gạo cứu trợ tận tay cho người dân tại một số quận, huyện. Yêu cầu đặt ra là gạo đến tay người dân phải nhanh nhất nhưng phải đúng đối tượng, đúng địa chỉ.

Tác nghiệp trong vùng dịch
Các nhà báo tác nghiệp ở giữa vùng dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Lại cũng chai nước suối với ổ bánh mỳ mang theo, trước đó phải xếp hàng gần 1 tiếng đống hồ mới mua được ở siêu thị. Tôi may mắn được đi cùng xe ô tô với Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực Đông Nam bộ Nguyễn Văn Khoa cùng đoàn (được tăng cường cứu trợ gạo cho 1 số vùng của TP. Hồ Chí Minh). Vì là xe cứu trợ vùng dịch không khác gì xe hộ đê, xe chúng tôi di chuyển nhanh hơn khá nhiều so với phương tiện khác.

“Rất mệt nhưng cảm thấy rất vui vì tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, người F0 được nhận gạo hỗ trợ kịp thời” - chị Nguyễn Thị Yến, cán bộ Hội phụ nữ xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi chia sẻ sau một ngày tham gia dẫn đoàn bộ đội đi phát gạo hỗ trợ cho người dân trên địa bàn.

Trong những ngày triển khai cấp phát gạo và nhu yếu phẩm cho người dân chống dịch, tôi được ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn rất nhiều người và được tận mắt chứng kiến đã có hàng chục cán bộ viên chức y tế, lực lượng tình nguyện, xung kích bị ngất xỉu do làm việc quá sức, thậm chí xuyên đêm để kịp thời hỗ trợ y tế, hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho người dân gặp khó khăn.

Sống trong vùng lõi của dịch, bản thân cũng đã từng 2 lần bị nhiễm Covid-19, thấm mệt sau những chuyến tác nghiệp, đối diện với mọi hiểm nguy, khó khăn vất vả…, nhưng với tôi lại cảm thấy rất tự hào, rất vui, rất ý nghĩa vì đã được đóng góp một phần nhỏ bé của mình để được hỗ trợ “cứu người” đúng lúc khi họ cần nhất.

Đồng thời cũng cảm thấy hãnh diện, tự hào hơn vì được thực hiện đúng cái “Tâm” của một nhà báo thực thụ. Lòng tự nhủ, nếu so với rất nhiều những con người đang phải đói cơm, lạt muối, đối mặt với hiểm nguy bị cách ly trong tâm dịch mà chưa biết số phận những ngày sau thế nào, thì một chút vất vả của bản thân cũng không đáng là bao!./.