Hội thảo đã thu hút sự tham gia của trên 150 nhà khoa học, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước.

Hướng đến mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp tư nhân

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương năm khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (từ tháng 6/2017 đến nay), khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh cả về chất, lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing phát biểu tại hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn
PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing phát biểu tại hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn

Trong khi đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nêu rõ, phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp (DN); phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

Nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn.

Kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất và các loại thị trường; hiệu quả, sức cạnh tranh dần được nâng lên; hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền; bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế...

Cụ thể là xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%...

Như vậy, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội... Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Tiến Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing cho biết, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều loại hình kinh tế là chủ trương, chính sách nhất quán và lâu dài của Đảng. Trải qua gần 35 năm đổi mới, thực tiễn đã chứng minh rằng, đây là một luận điểm, một chính sách hoàn toàn phù hợp với yêu cầu khách quan, là quyết sách chiến lược đúng đắn, sáng tạo góp phần vào “những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử”.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đỗ Doãn

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động kinh doanh thì kinh tế tư nhân cũng còn nhiều hạn chế như quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ trọng cao, điều kiện vay vốn khó đáp ứng nên tiếp cận vốn vay khó, năng lực cạnh tranh chưa cao, chất lượng lao động chưa tốt, trình độ khoa học công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý theo phong cách gia đình, thiếu tính chuyên nghiệp, hiện đại.

Phần lớn các doanh nghiệp khu vực này chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Dù số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp, sự gia tăng số lượng chưa gắn với sự đột phá về chất lượng phát triển…

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia… đã trao đổi, chia sẻ thông tin, định hướng về kinh tế, tài chính - kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững. Hội thảo cũng nhận được hơn gần 130 bài viết và lựa chọn, biên tập được các bài viết có chất lượng để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần này.

‘‘Các bài viết đa phần đều tập trung phân tích đánh giá, nhận định về kinh tế, tài chính, quản trị, nhân lực, kế toán và kiểm toán… với phát triển kinh tế tư nhân. Các bài nghiên cứu mang hàm lượng khoa học cao, thể hiện tính đa dạng trong cách tiếp cận phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững…’’ – ông Đạt nói./.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân

Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”, đồng thời tiếp tục đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tạo thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên... góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, có sức chống chịu cao.