tái cơ cấu

Nếu được chấp nhận, số lượng DNNN thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Phân loại từ 4 nhóm xuống còn 3 nhóm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua hơn 1 năm triển khai Quyết định 37/2014/QĐ-TTg, đã phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn.

Đơn cử như, sự thay đổi của các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư và quản trị DNNN (điển hình Luật DN 2014, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN...) dẫn đến thay đổi nội dung, cấu trúc để xác định tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.

Trên thực tế, nhiều trường hợp, Nhà nước nắm giữ lượng cổ phần chi phối lớn đã làm giảm sự hấp dẫn của các nhà đầu tư tham gia quản lý vì không thay đổi được quản trị doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực giao thông, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích...

Với những lý do như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Quyết định mới đề xuất sắp xếp, phân loại lại các DNNN thành 3 nhóm, thay vì 4 nhóm như hiện nay.

Trong đó, nhóm 1 DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ, có 12 nhóm ngành chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; độc quyền tự nhiên (truyền tải điện, quản lý đường sắt…); đảm bảo trật tự an ninh an toàn xã hội (nhà máy thủy điện đa mục tiêu, in tiền, cung ứng vật liệu nổ…).

Nhóm 2 là DN là cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 65% tổng số cổ phần trở lên gồm 4 ngành, chủ yếu liên quan đến: Kết cấu hạ tầng quan trọng có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (cảng hàng không); tài nguyên quốc gia (khai thác khoáng sản quy mô lớn, khai thác dầu mỏ).

Nhóm 3 là DN cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 50% tổng số cổ phần trở lên, gồm 8 nhóm. Trong đó, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần chủ yếu trong lĩnh vực quan trọng, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế (sản xuất hóa chất cơ bản, dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, thuốc lá điếu, tài chính, ngân hàng, lương thực, xăng dầu…).

Áp lực cổ phần hóa ngày càng tăng mạnh

Chiếu theo dự thảo tiêu chí đang được đề xuất, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số 378 DN trong giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến như sau: 184 DNNN nắm giữ 100% vốn (chiếm khoảng 48,7%); 194 DN thuộc diện thực hiện cổ phần hóa (chiếm khoảng 51,3%).

Đáng chú ý, trong số những DN sẽ phải thoái vốn toàn bộ, có cả DN nắm hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu, cốt lõi của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; những DN có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh…, những “món hàng” đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Dự thảo mới cũng “không chỉ đặt mục tiêu cổ phần càng nhiều càng tốt, mà còn đặt mục tiêu những lĩnh vực mà DNNN hoạt động hiệu quả nhất nên giữ lại, còn phần lớn không giữ lại là để cho khu vực tư nhân, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết.

Mặc dù cách phân loại DNNN được nhận định là đã thu hẹp hơn so với Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg hiện hành, song cũng có ý kiến đề nghị nên cân nhắc chỉ chia các DN này thành hai nhóm: Nhóm thoái vốn dưới 50% và nhóm không giới hạn tỷ lệ.

Với cách này, quyền tự chủ sẽ được trao lại cho DN, tránh tình trạng cứ mỗi lần IPO thất bại do tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ quá lớn, nhà đầu tư không có cơ hội mua được số lượng cổ phần đủ lớn để có quyền tham gia điều hành DN, thì DN lại phải trình xin nới…

Quyết định cuối cùng dự kiến sẽ sớm được Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới đây. Tuy vậy, căn cứ vào những thông tin trong dự thảo đã được công bố, số lượng DNNN thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn trong những năm tới sẽ tăng mạnh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, cơ hội để không ít DNNN tìm lý do chần chừ, đứng ngoài tiến trình tái cơ cấu sẽ không còn. Hơn thế, những lấn cấn xung quanh câu chuyện tỷ lệ thoái vốn nhà nước chưa đủ để hấp dẫn nhà đầu tư cũng sẽ được tháo gỡ dần.

Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 đang diễn ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2015, cả nước đã sắp xếp được 558 DN, trong đó cổ phần hóa 478, đạt 93% kế hoạch. Tổng tài sản của DNNN (theo báo cáo của công ty mẹ) năm 2015 tăng khoảng 36% so với năm 2010, vốn chủ sở hữu tăng 62%, doanh thu tăng 18%, lợi nhuận trước thuế tăng 56%. Theo báo cáo hợp nhất, tổng tài sản DNNN tăng 26%, vốn chủ sở hữu tăng 57%, doanh thu tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 16%. DNNN đã tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, quốc phòng, an ninh, cung ứng hàng hoá và dịch vụ công thiết yếu.

Hoàng Lâm