Xây dựng phương pháp hỗn hợp, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sản phẩm thuốc lá theo lộ trình Cần áp dụng chính sách thuế phù hợp để hạn chế tác hại từ thuốc lá, đồ uống có đường Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và rượu, bia nhằm hạn chế tiêu dùng
Tăng thuế đối với thuốc lá, đồ uống có cồn vì sức khỏe người dân

PV: Chính phủ Việt Nam đã và đang có hành động thiết thực bằng Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025. Bà đánh giá như thế nào về nỗ lực này của Chính phủ Việt Nam?

TS. Angela Pratt: Có bằng chứng rõ ràng thuyết phục cho thấy, đầu tư vào phòng, chống bệnh không lây nhiễm không chỉ mang lại lợi ích to lớn về sức khỏe cho người dân, mà còn cả về mặt kinh tế. Một trong những biện pháp có thể thực hiện là đánh thuế với những sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, đồ uống có cồn, bên cạnh việc giảm quảng cáo, giảm hoạt động xúc tiến thương mại để giảm tiêu dùng sản phẩm độc hại.

Hiện nay, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong tại Việt Nam. Tại Việt Nam, trong số 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người do các bệnh không lây nhiễm, trong đó nguyên nhân do bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%.

Các bệnh không lây nhiễm thường không xác định được nguyên nhân cụ thể, mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển như môi trường sống không lành mạnh, thuốc lá, rượu bia, các loại thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn nhiều muối và đường (đặc biệt là trong các đồ uống ngọt), ít vận động. Đó là lý do vì sao cần nâng cao vai trò nhận thức cho xã hội.

Tăng thuế đối với thuốc lá, đồ uống có cồn vì sức khỏe người dân
TS. Angela Pratt

Bệnh không lây nhiễm không chỉ gây gánh nặng về y tế, sức khỏe mà còn cả về mặt kinh tế. Mỗi năm thuốc lá gây thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 4,5 tỷ USD.

Chính vì vậy, WHO hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam đã đề ra các mục tiêu tham vọng nhằm giảm bớt gánh nặng do các bệnh không lây nhiễm, các mục tiêu để giảm mức tiêu thụ thuốc lá; cũng như cải thiện một số dịch vụ cho người mắc các bệnh không lây nhiễm, bao gồm các bệnh tâm thần.

PV: Để điều chỉnh hành vi tiêu dùng, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng công cụ thuế theo lộ trình đối với thuốc lá, rượu, bia… Tuy nhiên, đến nay hiệu quả chưa được như mong muốn. Bà bình luận gì về vấn đề này?

TS. Angela Pratt: Cần ghi nhận các thành quả đáng khích lệ mà Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tiêu thụ thuốc lá. Lượng tiêu thụ thuốc lá đã giảm nhẹ, trong vài năm gần đây. Tuy nhiên chúng ta cần phải có các hành động quyết liệt hơn nữa để tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá giảm mạnh hơn, nhằm đạt mục tiêu đã đề ra.

Về vấn đề thuế, câu trả lời đơn giản là mức thuế áp dụng hiện nay chưa đủ cao để tác động đến hành vi tiêu dùng. Chúng ta đều biết rằng, tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm mức tiêu thụ nhanh và trong thời gian ngắn. Do đó, chúng tôi đề xuất Chính phủ Việt Nam cân nhắc áp dụng mức thuế cao nhất có thể để đạt được hiệu quả giảm tiêu thụ thuốc lá trong thời gian tới.

PV: Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm có hại cho sức khỏe thuốc lá, rượu bia. Để việc điều chỉnh thuế đối với thuốc lá, rượu bia có thể làm giảm tiêu thụ, điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, bà có khuyến nghị gì về việc này?

3 lợi ích khi tăng thuế với sản phẩm có hại

TS. Angela Pratt khẳng định, tăng thuế với sản phẩm không lành mạnh có hại cho sức khỏe, đặc biệt là thuốc lá, rượu bia, đồ uống có cồn mang lại lợi ích rất lớn, giúp đạt được 3 mục tiêu quan trọng bao gồm: giảm tỷ lệ tử vong, giảm bất công bằng và tăng thu cho ngân sách nhà nước. WHO khuyến cáo, Chính phủ Việt Nam cân nhắc tăng thuế thuốc lá, bượu bia và đồ uống có cồn.

TS. Angela Pratt: Trước hết tôi chúc mừng và đánh giá cao định hướng quan trọng này của Chính phủ Việt Nam. WHO ủng hộ đề xuất điều chỉnh tăng thuế của Bộ Tài chính vào thời điểm này, nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng, ngăn ngừa bênh không lây nhiễm, giảm gánh nặng y tế…

Khuyến nghị của WHO là áp dụng mức thuế/thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đủ cao để tác động đến mức tiêu thụ các sản phẩm có hại cho sức khoẻ này. Hiện tại, các mức áp dụng chưa đủ cao.

Do đó, chúng ta vẫn chưa nhận thấy mức tiêu thụ thuốc lá giảm. Thực tế ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm thuốc lá càng ngày càng rẻ. Giá gần như không thay đổi, trong khi thu nhập người dân tăng lên nên sức mua ngày càng cao và việc mua ngày càng dễ dàng hơn.

Trên thực tế giá thực của thuốc lá tại Việt Nam (sau khi tính đến lạm phát) thậm chí ngày càng rẻ hơn so với trước đây. Vì vậy, đối với thuốc lá, chúng tôi khuyến nghị đề ra mức thuế đủ cao để có tác động đến tiêu dùng.

Đối với rượu bia cũng vậy, mức thuế áp dụng cho mặt hàng này cũng cần phải đủ cao để có tác động đến việc tiêu thụ quá nhiều sản phẩm này. Sử dụng quá nhiều bia rượu sẽ dẫn đến một loạt tác động tiêu cực đến sức khỏe. Vì vậy, chúng ta cần đặt các mức giá đó đủ cao để ngăn cản mọi người mua những sản phẩm không tốt cho sức khỏe này. Đây là nguyên tắc cơ bản.

PV: Xin cảm ơn bà!

Ths. Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế:

Cần thiết sớm tăng thuế thuốc lá để ngăn ngừa đói nghèo bệnh tật, tử vong

Tăng thuế đối với thuốc lá, đồ uống có cồn vì sức khỏe người dân

Thuốc lá là nguy cơ gây ra tử vong, bệnh tật và gây ra đói nghèo và gây ra tác hại đối với môi trường, kinh tế và xã hội trên thế giới.

Việt Nam là quốc gia áp dụng mức thuế thuốc lá hiện nay (38,8%) thấp so với hầu hết các nước trong khu vực ASEAN và thấp hơn rất nhiều so với khuyến nghị của WHO (75%). Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng.

Để mục tiêu Quyết định số 155/QĐ-TTg đạt hiệu quả, đồng thời với việc đẩy mạnh truyền thông báo chí về tác hại thuốc lá thì Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, cụ thể xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị.

Bà Trần Thị Tuyết - Trưởng phòng Chính sách thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính:

Tăng thuế thuốc lá, bia, rượu để điều tiết tiêu dùng, thực hiện các cam kết quốc tế

Tăng thuế đối với thuốc lá, đồ uống có cồn vì sức khỏe người dân

Từ năm 2008 - 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Tuy nhiên, theo đánh giá của WHO và Bộ Y tế thì mức thuế vẫn còn thấp (tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%) và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế, sau đó lại tăng trở lại.

Do vậy, Bộ Tài chính xét thấy cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng: bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ.

Việc này để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo khuyến cáo của WHO và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng, cũng như theo định hướng của Đảng và Nhà nước.