Thương mại toàn cầu có thể sụt giảm 50%

Trong quý 1/2022, thương mại toàn cầu tăng trưởng tốt do hoạt động trao đổi hàng hóa nhộn nhịp trở lại sau khi các đợt phong tỏa được dỡ bỏ. Bước sang quý 2/2022 mạch tăng trưởng này bị gián đoạn do căng thẳng chính trị giữa Nga với Ukraine xuất hiện và kéo dài, cùng với đó là sự tái bùng phát đại dịch Covid-19 tại nhiều nơi đã buộc các Chính phủ phải thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là các lệnh phong tỏa tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc. Hệ quả là khiến cho chuỗi cung ứng của toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, giá cả không ngừng leo thang đã ngăn lại đà cải thiện trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; làm suy yếu thu nhập thực tế và kiềm chế nhu cầu. Tất cả đã dẫn đến hoạt động thương mại kém tích cực tại nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo có thể chậm lại
Giá cả không ngừng leo thang trong thời gian qua. Ảnh: TL

Tại khu vực đồng Euro, trong 7 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại thâm hụt 168,6 tỷ EUR, giảm mạnh so với mức thặng dư 121,3 tỷ EUR của cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 1.625,5 tỷ EUR, tăng 19,2% so với năm 2021 và nhập khẩu đạt 1.794,1 tỷ EUR, tăng 42,5% so với 7 tháng năm 2021.

Tại Nhật Bản, thâm hụt thương mại đã tăng lên 2.817,3 tỷ JPY vào tháng 8/2022 từ mức 653,4 tỷ JPY của tháng 8/2021. Đây là mức thâm hụt thương mại lớn nhất được ghi nhận, đánh dấu tháng thứ 13 liên tiếp của mức thâm hụt kéo dài nhất kể từ năm 2015. Xét trong 8 tháng đầu năm 2022, Nhật Bản ghi nhận mức thâm hụt thương mại là 12.133,3 tỷ IPY, tăng mạnh so với mức thặng dư 1.935,6 tỷ JPY của cùng kỳ năm 2021.

Giá cả không ngừng leo thang đã ngăn đà cải thiện trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; làm suy yếu thu nhập thực tế và kiềm chế nhu cầu. Tất cả đã dẫn đến hoạt động thương mại kém tích cực tại nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới.

Tình hình tăng trưởng thương mại kém khả quan cũng được ghi nhận tại Mỹ, theo đó trong tháng 7/2022 cán cân thương của nước này mại thâm hụt là 70,6 tỷ USD.

Diễn biến trên cũng đã khiến các tổ chức định chế tài chính quốc tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng thương mại trong năm 2022 so với các dự báo trước đây.

Cụ thể, theo dự báo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể giảm 50% so với con số dự báo được đưa ra vào quý III/2021.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay và năm tới do thế giới tiếp tục đối mặt với những bất ổn đã và đang diễn ra. Theo đó, tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ đạt mức 4,1% trong năm 2022 (giảm 0,9% so với dự báo của tháng 4/2022) và tiếp tục giảm xuống mức 3,2% trong năm 2023 (giảm 1,2% so với dự báo của tháng 4/2022).

Trong đó, tại các nước phát triển tăng trưởng thương mại dự báo sẽ đạt mức 5,3% trong năm 2022 và 3,2% trong năm 2023, lần lượt giảm so với dự báo của tháng 4/2022 là 0,3% và 1,4%. Tại các nước mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng thương mại dự kiến sẽ đạt mức 2,2% trong năm 2022 và 3,3% trong năm 2023. Dự báo lần này đều lần lượt giảm 1,8% và 0,9% so với dự báo tháng 4/2022 của tổ chức này. Các dự báo trên cho thấy tương lai rất ảm đạm của thương mại thế giới trong ngắn hạn.

Có sự phân hóa tại các quốc gia, khu vực

Trên thực tế, trong thời gian qua diễn biến thương mại cũng khác nhau tại các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Cụ thể: Tại Trung Quốc, trong tháng 8/2022 xuất khẩu đạt 314,92 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng 7/2022 và nhập khẩu đạt 235,53 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước đó. Do đó, thặng dư thương mại bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng là 79,39 tỷ USD, tăng 34,3% so với tháng 8/2021, nhưng thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường là 92,7 tỷ USD. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, thặng dư thương mại là 560,52 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 13,5% và nhập khẩu tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo có thể chậm lại
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Los Angeles ở Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: TL

Tín hiệu thặng dư thương mại cũng được ghi nhận ở một số quốc gia trong khu vực ASEAN-5 như Malaysia và Indonesia. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại Malaysia thặng dư 155,5 tỷ MYR, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 1.014,2 tỷ MYR, tăng 30,3% so với 8 tháng năm 2021 và nhập khẩu đạt 858,8 tỷ MYR, tăng 36,9% so với 8 tháng năm 2021.

Còn tại Indonesia, trong 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại thặng dư 34,81 tỷ USD, tăng 85,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 194,52 tỷ USD, tăng 37,3% so với 8 tháng năm 2021 và nhập khẩu đạt 159,71 tỷ USD, tăng 29,9% so với 8 tháng năm 2021.

Ngược lại, tình trạng thâm hụt thương mại vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện tại Thái Lan và Philippines. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại Thái Lan thâm hụt 14,1 tỷ USD, giảm so với mức thặng dư 1,42 tỷ USD của cùng kỳ năm 2021. Tại Philippines, tính chung 7 tháng đầu năm, cán cân thương mại thâm hụt 35,45 tỷ USD, tăng 85,5% so với cùng kỳ năm 2021../.

Các tổ chức định chế tài chính quốc tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng thương mại trong năm 2022 so với các dự báo trước đây. Cụ thể, theo dự báo của Tổ chức Thương mại thế giới thì tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể giảm 50% so với con số dự báo được đưa ra vào quý III/2021. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay và năm tới do thế giới tiếp tục đối mặt với những bất ổn đã và đang diễn ra.