Gạo Hạt Ngọc Trời đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Tư liệu
Theo ông Huỳnh Văn Thòn- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, nay là Tập đoàn Lộc Trời, từ năm 2011 đến nay, tập đoàn đã tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trên qui mô lớn, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trên cở sở các chủ trương chính sách của Nhà nước, thu thập các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện có, xây dựng các nhà máy, hợp tác với nông dân để sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, tập đoàn có được sản phẩm gạo ổn định, an toàn, truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Kinh doanh lương thực đã có lợi nhuận và tập đoàn đã xây dựng được thương hiệu doanh nghiệp là Hạt Ngọc Trời cho gạo nội địa và VB Rice cho gạo xuất khẩu, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Theo đó, sản lượng gạo kinh doanh của tập đoàn cũng gia tăng trong vòng 5 năm qua. Lượng gạo kinh doanh nội địa trong các năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2015 là 11.000 tấn; 17.000 tấn; 57.000 tấn; 73.000 tấn và 118.000 tấn. Gạo Hạt Ngọc Trời đã hiện diện tại 57 siêu thị và hơn 200 đại lý phân phối trên toàn quốc.
Số liệu tương ứng cho lượng gạo xuất khẩu từng năm là 1.000 tấn; 28.000 tấn; 81.000 tấn;113.000 tấn; 131.000 tấn. Tổng cộng lượng gạo kinh doanh nội địa và xuất khẩu qua 5 năm vừa qua là 12.000 tấn; 45.000 tấn; 138.000 tấn;186.000 tấn và 249.000 tấn.
Tập đoàn đã xuất gạo đến 36 quốc gia trên thế giới. Doanh số bán gạo tăng 32 lần trong 5 năm qua. Số liệu tương ứng là 91 tỷ đồng; 665 tỷ đồng; 1.456 tỷ đồng; 2.592 tỷ đồng; và 2.907 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra với giống lúa mùa địa phương BN1, tập đoàn cũng đã sản xuất và kinh doanh một loại gạo mầm có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe con người là gạo mầm Vibigaba. Bên cạnh việc tiêu dùng trong nước, Vibigaba cũng đã được xuất khẩu sang nhiều nước. Gạo này cũng đã được bán trực tuyến qua mạng Alibaba.
Cũng theo ông Thòn, để phát triển và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trong thời gian tới, Nhà nước nên nghiên cứu tìm hiểu những khó khăn thách thức mà nông dân gặp phải trong quá trình sản xuất hiện tại cũng như những rào cản trong quá trình tham gia cánh đồng lớn để tìm cách tháo gỡ, giải quyết .
Cùng với đó, cần có chủ trương hình thành các khu đất sạch ở nông thôn để khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nhằm đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như chế biến, gia tăng giá trị nông sản, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.../.
Lúa gạo ở Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc phần lớn được tiêu dùng nội địa. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 52% diện tích gieo trồng nhưng đóng góp đến 56% tổng sản lượng lúa cả nước. Mặt khác trên 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm cũng đến từ vùng này. |
Diệu Hoa