Tháo gỡ mọi rào cản để phát triển

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ Tài chính đã kịp thời xây dựng, ban hành Kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ được giao, tại Quyết định số 33/QĐ-BTC ngày 12/01/2023.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tại kế hoạch này, Bộ Tài chính phân công, phân nhiệm cho các đơn vị phấn đấu thực hiện từng nhiệm vụ. Cụ thể năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tập trung tham mưu cho Chính phủ để tham mưu cho Đảng, Quốc hội đảm bảo tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các chính sách tài khóa đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong giai đoạn khó khăn.
Các chính sách tài khóa đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong giai đoạn khó khăn.

“Bộ Tài chính đã đề ra kế hoạch triển khai 108 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có 53 nhiệm vụ trực tiếp chủ trì, 55 nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện; chủ trì xây dựng 33 đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành 57 thông tư. Trọng tâm của chúng tôi là tiếp tục thực hiện tốt chính sách tài khoá; phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ một cách hợp lý nhất và hiệu quả nhất. Đồng thời, Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định thị trường chứng khoán, bảo hiểm, thị trường vốn và đảm bảo quản lý tài chính ngân sách, tài sản công hiệu quả nhất” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế

Được biết, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ, ngành Tài chính đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, ngành Tài chính đã thực hiện thành công chính sách tài khoá. Thu ngân sách đã vượt so với dự toán ở mức cao, bội chi NSNN dưới 4%. Năm 2022 thực hiện gói phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công, chuyển đổi số mạnh mẽ.

Đáng lưu ý, thời gian qua Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Bộ sẽ tập trung nỗ lực, quyết liệt thực hiện thành công dự toán ngân sách, tiết kiệm chi, tăng giải ngân vốn đầu tư công, quản lý tài sản công cũng như tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế,… đảm bảo cho chính sách tài khoá được thực hiện minh bạch, hiệu quả.

Không ngại nhận khó về mình

Trong bối cảnh nhiều thử thách, Bộ Tài chính đã không ngại nhận khó về mình, đưa ra gói hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất rất lớn, nhưng vẫn triển khai nhiều giải pháp tăng thu ngân sách. Các chính sách nhằm tăng thu ngân sách nhưng không ảnh hưởng tới doanh nghiệp đã góp phần quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Đặc biệt, năm 2023, chúng tôi tiếp tục đề xuất với Chính phủ thực hiện chính sách gia hạn, kéo dài việc giãn, hoãn thời gian nộp thuế như chính sách đã thực hiện trong năm 2022. Đồng thời, tiếp tục tập trung để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, nâng cao năng lực của doanh nghiệp cũng chính là nâng cao năng lực cho nền kinh tế, từ đó sẽ góp phần tăng thu ngân sách” - Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Có thể thấy, những chính sách nêu trên đã có "tác dụng kép", giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội… Các chính sách tài khóa nhân văn ở trong những thời điểm khó khăn được dư luận đánh giá cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nhiều thử thách, Bộ Tài chính đã không ngại nhận khó về mình, đưa ra gói hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất rất lớn, nhưng vẫn triển khai nhiều giải pháp tăng thu ngân sách. Các chính sách nhằm tăng thu ngân sách nhưng không ảnh hưởng tới doanh nghiệp đã góp phần quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cải cách trên mọi lĩnh vực, lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Bước vào năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó khăn hơn; ở trong nước, từ đầu quý IV/2022, xuất hiện ngày càng nhiều thách thức lớn đối với nền kinh tế (thanh khoản của nền kinh tế khó khăn; niềm tin thị trường sa sút; thị trường bất động sản chững lại; sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực có xu hướng thu hẹp...) tiềm ẩn các tác động khó lường tới việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023.

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa với chức năng là công cụ quan trọng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế, toàn ngành Tài chính xác định nhiệm vụ năm 2023 là tập trung ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế hiệu quả, qua đó, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023, cũng như các mục tiêu của cả nhiệm kỳ.

Năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện chính sách gia hạn kéo dài, giãn hoãn thời gian nộp thuế như năm 2022, đồng thời đề xuất và được Chính phủ đồng ý giảm 3% tiền thuê đất, thực hiện giảm thuế môi trường cho xăng dầu và một số khoản phí và lệ phí… từ đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ gia đình.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2023 cần phải tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, gỡ vướng về dòng tiền, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển; gia tăng năng lực doanh nghiệp, từ đó tăng năng lực nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Về lâu dài, quán triệt các chủ trương, định hướng đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế. Mục đích hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN; đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác như: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đứng đầu các bộ ngành về chuyển đổi số. Để tiếp tục phát huy thế mạnh, Bộ Tài chính đã đưa ra những tầm nhìn định hướng cụ thể. Đó là chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, doanh nghiệp; tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện trong các lĩnh vực như thuế, hải quan kho bạc, chứng khoán, trọng tâm ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.