Kiểm soát dịch để không gây áp lực lên ngân sách

Nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) luôn cùng nhịp đập với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, khi hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán thu NSNN, Bộ Tài chính luôn lưu ý phải bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, đặc biệt là các thách thức, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai và các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số. Ngoài ra, phải tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Dự toán sát nguồn thu là cơ sở không để bỏ sót lọt các khoản thu và cũng là để đảm bảo cho các nhiệm vụ chi trong năm.

Thách thức điều hành chính sách tài khóa trong bối cảnh dịch bệnh
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Dịch Covid-19 đã tác động không thuận đến sự phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ tài chính - NSNN. Đối với điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN, trong 2 năm nay, Bộ Tài chính vừa phải phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN hàng năm được Quốc hội quyết định, vừa lo các khoản chi cho công tác chống dịch và hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Có nghĩa, nguồn thu bị đe dọa hụt do giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, nhưng đồng thời nhu cầu chi lại nhiều lên với nhiều khoản chi không có trong dự toán. Trong quản lý ngân sách, một nguyên tắc bất di bất dịch, đặc biệt khi chúng ta chưa cân đối được ngân sách thu hiện nay không đủ bù chi, thì mọi khoản chi phải có trong dự toán và không ban hành bất cứ một chính sách nào làm tăng chi ngân sách. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã đảo lộn tất cả các nguyên tắc nêu trên, khi diễn biến phức tạp và phát sinh nhu cầu chi rất lớn.

Hiện nay, có ý kiến lo ngại khi cho rằng nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhu cầu chi cho phòng chống dịch vẫn còn căng thẳng thì có thể phải trình Quốc hội điều chỉnh tổng thể dự toán NSNN năm 2021. Những căng thẳng này chỉ có thể hóa giải khi thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài chính - NSNN; việc triển khai tiêm chủng cho người dân thực hiện trên diện rộng và tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam đang được kiểm soát theo hướng ngày càng tích cực, các hoạt động sản xuất - kinh doanh ở một số địa phương đang dần được nới lỏng từ cuối tháng 9, đầu tháng 10. Nhu cầu chi cho phòng, chống dịch trong những tháng còn lại của năm bớt căng thẳng, sẽ không gây áp lực lên cân đối ngân sách của cả năm.

Lên kịch bản trong tình huống khó

Bởi vì, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, do có độ trễ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng nguồn thu NSNN, dự báo trong điều kiện khả quan nhất (nếu vắc-xin phát huy tác dụng, dịch bệnh được kiểm soát; kinh tế thế giới phục hồi theo hình chữ V, ảnh hưởng tích cực đến kinh tế Việt Nam...) thì cũng phải mất 2 - 3 năm nguồn thu NSNN mới có thể tăng trưởng cùng nhịp với tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ đã chủ trương đảm bảo mọi nguồn lực để chi cho công tác phòng, chống dịch, cũng như các giải pháp về tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã đề ra nhóm giải pháp đồng bộ, linh hoạt, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021, cũng như “mục tiêu kép” của Chính phủ - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Trong khi đó, năm 2021 vẫn cần nguồn lực lớn cho đầu tư công để làm động lực phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với đó, ngành Tài chính vẫn phải kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính; phấn đấu giảm bội chi NSNN khi có điều kiện để tăng dư địa tài khóa, tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Đó thực sự là những thách thức, khó khăn ngành Tài chính phải đối mặt trong thời gian tới.

Để chủ động hơn, Bộ Tài chính đã lên các kịch bản về điều hành chính sách tài chính và quản lý NSNN phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế cũng như diễn biến của dịch bệnh. Những biến thể của virus ngày càng nguy hiểm và rất khó dự đoán, sẽ gây không ít khó khăn, thách thức cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội và nhiệm vụ tài chính - NSNN trong năm nay. Đáng lo nhất là thời gian qua có 23 địa phương thực hiện giãn cách có số thu chiếm 70% tổng thu NSNN. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là một thách thức rất lớn đối với ngành Tài chính.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ trương đảm bảo mọi nguồn lực để chi cho công tác phòng, chống dịch, cũng như các giải pháp về tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã đề ra nhóm giải pháp đồng bộ, linh hoạt, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021, cũng như “mục tiêu kép” của Chính phủ - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Trường, một trong những giải pháp quan trọng đó là bên cạnh tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì cần thực hiện tốt công tác quản lý thu. Trong đó, cần tăng cường chống chuyển giá, trốn lậu thuế; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, cần “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu thường xuyên, mạnh tay cắt giảm, thu hồi các khoản chi không cần thiết, chậm triển khai thực hiện...

Về lâu dài, tránh lồng ghép chính sách

Những tác động của dịch Covid-19 trong thời gian tới vẫn rất khó dự đoán, đi kèm với đó là những khoản chi cấp bách, phát sinh. Chính sách miễn, giảm thuế là bộ phận của chính sách tài khóa mà Chính phủ có thể sử dụng điều hành. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách nào cũng chỉ có thể tốt khi đặt đúng hoàn cảnh của nó và logic với mục tiêu mà Chính phủ hướng tới. Với chính sách miễn, giảm thì chỉ nên và có thể áp dụng trong những bối cảnh có tính đối phó chứ không phải là một giải pháp căn cơ.

Kinh nghiệm trên thế giới, nhiều nước có mức thuế suất đánh trên thu nhập rất cao, nhưng nền kinh tế vẫn phát triển rất tốt, doanh nghiệp vẫn rất hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, thương mại, vì các quốc gia đó có hệ thống hạ tầng mềm rất tốt, minh bạch, ổn định và dễ dự báo.

Có ý kiến thắng thắn chỉ ra, hệ thống chính sách và pháp luật của chúng ta khá đa mục tiêu và hay bị lồng ghép. Ví dụ, các chính sách an sinh xã hội dành cho người lao động thì nên áp dụng trực tiếp với người lao động chứ không phải áp dụng cho doanh nghiệp sử dụng lao động thông qua hệ thống chính sách về thuế. Nói cách khác, bất kỳ ai có thu nhập thì đều có nghĩa vụ đóng thuế, còn nếu người có thu nhập đó là đối tượng được hưởng chính sách xã hội thì vẫn được quyền hưởng theo quy định, mà không nên khấu trừ nghĩa vụ thuế với ưu đãi về chính sách xã hội đó. Quyền và nghĩa vụ cần tách bạch riêng với nhau khi hoạch định chính sách kinh tế vi mô, và ở góc độ vĩ mô thì việc đưa ra các chính sách hạ tầng mềm cần mạch lạc, độc lập và minh bạch.

Muốn tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải quyết tâm lớn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định thúc đẩy giải ngân để thúc đẩy tăng trưởng - là hướng đi đúng trong hoàn cảnh hiện nay. Bộ Tài chính cũng đã đặt ra mục tiêu quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, tạo động lực và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đề ra.