Sáng 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15.

Nhiều quy định đổi mới về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, việc xây dựng Luật này bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy, triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền, đổi mới cơ chế phân cấp quản lý và phân bổ ngân sách để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.

Đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, tăng sự chủ động cho địa phương

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: VGP

Sau hơn 8 năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã bộc lộ nhiều hạn chế, phát sinh bất cập và điểm nghẽn cần được tháo gỡ kịp thời để tạo thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. Do đó, việc sửa đổi, hoàn thiện luật lần này được đánh giá là hết sức cần thiết và đúng thời điểm.

Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15 gồm 7 chương, 79 điều, với các quy định đổi mới về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và trách nhiệm của từng cấp ngân sách. Ngân sách trung ương tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia, hỗ trợ các địa phương chưa cân đối được ngân sách, trong khi ngân sách địa phương được trao quyền chủ động với nguồn thu và nhiệm vụ chi được phân cấp rõ ràng.

Quy định mới cho phép HĐND cấp tỉnh ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục quy định, quyết định các chế độ chi ngân sách để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời, Luật cũng trao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể một số chế độ, định mức chi ngân sách, nhất là trong các tình huống cấp bách như phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Một điểm mới quan trọng là mức bố trí dự phòng ngân sách được điều chỉnh tăng tối đa lên 5% để đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát sinh như chi dự trữ quốc gia, các nhiệm vụ đối ngoại đột xuất, cấp bách. Quy định về tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính cũng được mở rộng, cho phép tạm ứng đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng và kéo dài thời gian hoàn trả trong vòng 12 đến 36 tháng, tùy theo tính chất nhiệm vụ.

Cho phép tạm cấp ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ chi không thể trì hoãn

Luật mới phân định rõ các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, ngân sách địa phương hưởng 100% và các khoản thu phân chia, đồng thời quy định cụ thể tỷ lệ phân chia đối với các khoản như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

Một số nhiệm vụ chi sẽ được bố trí từ cả nguồn đầu tư công và chi thường xuyên để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả sử dụng vốn, như : bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất; chuẩn bị giải phóng mặt bằng, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; hoạt động quy hoạch,...

Đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, tăng sự chủ động cho địa phương

Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua - Ảnh: VGP

Đặc biệt, ngân sách các cấp được phép sử dụng tăng thu so với dự toán, dự toán chi còn lại để bổ sung quỹ dự phòng hoặc thưởng vượt thu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương từ các khoản thu phân chia hoặc có số thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu qua biên giới đất liền. HĐND cấp tỉnh sẽ quy định mức thưởng vượt thu so với dự toán cho ngân sách cấp xã, tạo động lực cho các địa phương phấn đấu thu ngân sách hiệu quả.

Về lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách, Luật quy định chi tiết hơn căn cứ, trình tự, thủ tục, thời hạn, đồng thời cắt giảm nhiều thủ tục, đơn giản các quy trình, qua đó rút ngắn thời gian quyết toán đối với từng cấp ngân sách. Luật cho phép tạm cấp ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ chi không thể trì hoãn như chi lương, chi bổ sung cân đối hoặc một số khoản chi cần thiết khác; ngân sách các câp được ứng trước dự toán ngân sách năm sau, bao gồm cả ứng trước chi thường xuyên.

Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2026. Ba nhóm nội dung về phân cấp nhiệm vụ chi và dự toán ngân sách cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng với quy định tạm cấp ngân sách, sẽ được áp dụng ngay từ ngày 1/7/2025.

Việc ban hành Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15 được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc, tạo động lực mới để nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch; đảm bảo kỷ cương, kỷ luật tài chính quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.