>> Mua sắm tập trung: Cần có mô hình tổ chức chuyên nghiệp

>> Mua sắm tập trung: Vẫn còn tâm lý e ngại

* Xin ông cho biết, MSTT ở Vương quốc Anh có những điểm gì giống và khác so với Việt Nam?

- MSTT giữa Việt Nam và Vương quốc Anh có những điểm tương đồng về bối cảnh thực hiện và mục tiêu. Theo đó, phương thức MSTT được áp dụng trong bối cảnh chính phủ hai nước thực hiện chính sách tiết kiệm chi tiêu công, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Mục tiêu hướng tới là sự công khai, minh bạch trong mua sắm công, đảm bảo hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhưng phải cắt giảm được chi phí trong hoạt động này.

MSTT là xu hướng chung của nhiều quốc gia hiện nay. Hy vọng với kinh nghiệm của nước bạn và sự quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương, MSTT sẽ còn mang lại nhiều hiệu quả tốt và tiết kiệm được nhiều tỷ đồng hơn nữa cho NSNN.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính

Tuy nhiên, cũng có những điểm khác biệt nhất định. Đặc biệt là về quan niệm. Theo quy định hiện hành và thực tế tổ chức thực hiện ở Việt Nam, MSTT là việc một đơn vị thực hiện mua sắm tài sản sau đó bàn giao cho các đơn vị trực tiếp sử dụng.

Còn tại Anh, MSTT trước hết là tạo ra một thiết chế để tổng hợp, rà soát nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các cơ quan chính phủ đảm bảo hợp lý, tiết kiệm; trên cơ sở đó lựa chọn các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ có chất lượng và giá cả hợp lý nhất, làm cơ sở cho các đơn vị ký hợp đồng với các nhà cung cấp được lựa chọn.

Cơ quan MSTT cũng là cơ quan tư vấn, hỗ trợ có vai trò cụ thể hóa các quy định của nhà nước vào việc mua sắm đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ để cho các đơn vị tổ chức thực hiện được thuận lợi, dễ dàng.

Việc cơ quan MSTT trực tiếp thực hiện việc mua sắm chỉ áp dụng với một số ít hàng hóa, dịch vụ.

Từ sự khác biệt trong quan niệm nên cách thức tổ chức thực hiện và mô hình cơ quan thực hiện MSTT cũng có sự khác nhau.

* Ông có thể nói rõ hơn về sự khác biệt này?

- Ở Việt Nam, việc tổ chức MSTT hiện nay chủ yếu được giao cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện (như Vụ kế hoạch tài chính, Sở Tài chính…), nhưng tại Anh, việc MSTT của chính phủ được giao cho Cơ quan dịch vụ mua sắm chính phủ thực hiện.

Cơ quan này hiện có khoảng 400 nhân viên, với khoảng 80% là chuyên gia mua sắm. Ngoài trụ sở chính, cơ quan này còn có 4 chi nhánh trải rộng khắp nước Anh và chủ yếu là thực hiện chức năng tổng hợp, rà soát nhu cầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu có chất lượng hàng hóa, dịch vụ và giá cả tốt nhất; tư vấn, hỗ trợ trong việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động cho các cơ quan thuộc chính phủ.

Cơ quan này đưa ra các hợp đồng mẫu để các đối tượng khác trong toàn xã hội thực hiện; đảm bảo tuân thủ các quy định, tăng cường giáo dục, quản lý, giám sát cho các đối tượng thuộc diện phải MSTT; chống tham nhũng, lãng phí trong chi tiêu NSNN.

Nguồn kinh phí hoạt động hoàn toàn không lấy từ NSNN, mà chủ yếu lấy từ khoản phí từ các nhà thầu, nằm trong danh sách nhà thầu được cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho chính phủ; khoản phí từ các nhà thầu cung cấp tính trên các hợp đồng mua sắm thành công; khoản phí khi thực hiện phương thức “mua hộ”.

* Việc MSTT ở Vương quốc Anh có được áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ không, thưa ông?

- Việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động của các cơ quan chính phủ được chia thành hai nhóm:

Nhóm 1: Hàng hóa, dịch vụ có tính đặc thù, chuyên dùng, chuyên biệt.

Nhóm 2: Hàng hóa, dịch vụ thông thường: dịch vụ thông tin; nhiên liệu; năng lượng; viễn thông; văn phòng phẩm; in ấn; dịch vụ thuê nhân lực; bất động sản và quản lý tiền vay; vận tải.

Đối với nhóm 1, các bộ, cơ quan thuộc chính phủ chủ động mua sắm trong dự toán ngân sách được phân bổ. Đối với nhóm 2, bắt buộc phải tham gia chương trình MSTT.

* Vậy bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam là gì, thưa ông?

- Một số bài học kinh nghiệm có thể rút ra là: phải có quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành; phải có lộ trình áp dụng thích hợp; phải có sự điều tra, khảo sát kỹ lưỡng thực trạng và nhu cầu mua sắm công việc các cơ quan, đơn vị để có cơ sở thuyết phục cho việc tính toán hiệu quả trong MSTT.

Cơ quan MSTT phải được tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, ít đầu mối, có đội ngũ chuyên gia giỏi, có khả năng thuyết phục và hiện thực hóa các ưu thế của MSTT;

Phải có cơ chế kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý nghiêm minh đối với các đơn vị không thực hiện MSTT với các loại hàng hóa, dịch vụ trong danh mục và xử lý đối với cơ quan được giao nhiệm vụ mua sắm./.

* Xin cảm ơn ông!

MSTT ở Việt Nam dù mới được thí điểm và có 23 bộ, ngành, địa phương tham gia. Tổng hợp báo cáo trong 5 năm thực hiện thí điểm đã tiết kiệm được cho ngân sách 467 tỷ đồng. Trong đó, năm 2008 tiết kiệm được 66,6 tỷ đồng; năm 2009 là 109,3 tỷ đồng; năm 2010 là 21,2 tỷ đồng; năm 2011 tiết kiệm 266,5 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2012 là 5,3 tỷ đồng.

Hạnh Thảo