Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (thứ hai từ trái qua) thăm dự án đường 60m đang thi công tại Điện Biên.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (thứ hai từ trái qua) thăm dự án đường 60m đang thi công tại Điện Biên. Ảnh: T.T

Những cái bắt tay thật chặt và ánh mắt ấm áp xen lẫn niềm tự hào khi thấy Điện Biên từng ngày đổi mới. Với Bộ trưởng, ông như người con đi xa trở về...

Một Điện Biên chuyển mình

Cả nước đã thấy một Điện Biên chuyển mình. Nếu có dịp đến Điện Biên những ngày này, bạn sẽ chứng kiến được những đổi thay hòa nhịp cùng sự phát triển chung của đất nước. Thành phố Điện Biên Phủ với tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ đã thực sự “thay da đổi thịt”, trở nên một thành phố vừa mang nhiều hồn cốt của lịch sử, của văn hóa Thái, Mường vừa pha lẫn vẻ đẹp văn minh, hiện đại, xứng đáng là đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc.

Cách đây tròn 10 năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi ấy là Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (2008 - 2010). Chủ trương lấy cải cách hành chính làm thế mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung phát huy tiềm năng du lịch và nông - lâm nghiệp được người đứng đầu tỉnh Điện Biên khi đó coi trọng. Nhờ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN) từ khi làm thủ tục đến khi cấp phép đầu tư, thậm chí cùng tìm kiếm giải pháp về vốn với DN, Điện Biên đã có sự thay đổi ấn tượng. Năm 2008, thu hút đầu tư vào Điện Biên bằng tất cả những năm trước đó cộng lại. Tổng số vốn của các dự án đăng ký đầu tư đạt trên 3.000 tỷ đồng.

Hay như câu chuyện phát huy lợi thế du lịch cũng mang vẻ thần kỳ, Điện Biên có quyền tự hào là nơi có thế mạnh hơn tất cả các tỉnh Tây Bắc, gồm cả du lịch lịch sử và du lịch văn hóa - sinh thái. Chỉ riêng cụm di tích lịch sử Điện Biên Phủ cũng đã đủ để hấp dẫn du khách. Những năm gần đây, miền đất này có thêm Lễ hội Hoa ban sự kiện văn hoá, du lịch đã thành công khi níu chân du khách gần xa...

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn hồ hởi: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2017 tăng 7,09% (mục tiêu đề ra 6,8%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó, khu vực dịch vụ chiếm 54,29%, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,76%, công nghiệp - xây dựng chiếm 22,34%. Năm 2017, tỉnh đón trên 600 nghìn lượt khách. Bên cạnh đó, cộng đồng DN Điện Biên tiếp tục phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Năm 2017 toàn tỉnh có 1.130 DN với tổng số vốn đăng ký 15.635 tỷ đồng...

Trước đổi thay của Điện Biên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng - vị cựu Chủ tịch tỉnh bày tỏ vui mừng và đánh giá cao mức tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và dịch vụ trong điều kiện là tỉnh khó khăn của cả nước vẫn nỗ lực vươn lên.

Về Điện Biên dịp này, mặc dù lịch làm việc dày đặc, nhưng Bộ trưởng đã dành thời gian đến thăm dự án đường 60m. Dự án khi hoàn thành sẽ hình thành mạng lưới giao thông trong khu vực theo định hướng quy hoạch chung xây dựng TP. Điện Biên Phủ và quy hoạch khu đô thị mới phía Đông thành phố, sau này cũng là nơi đặt trụ sở của Trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Điện Biên.

Dự án đang trong giai đoạn triển khai vẫn còn ngổn ngang, bụi bặm, nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chọn điểm dừng chân này, bởi dự án khi hoàn thành sẽ mang đến cho Điện Biên một diện mạo mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dù thời gian giữ cương vị người đứng đầu tại địa phương không dài, nhưng những trăn trở, tâm huyết vẫn còn ánh lên trong mắt ông. Có phải thế chăng, nên mỗi khi trở lại nơi đây, ông vẫn dành nhiều tình cảm cho mảnh đất khi xưa anh hùng, nay không ngừng vươn lên phát triển cùng cả nước.

Ấm áp tình người

Trước đó, chiều ngày 12/3/2018, khi vừa kết thúc chặng bay từ Hà Nội đến Điện Biên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại thị xã Mường Lay cách TP. Điện Biên Phủ hơn 100 cây số. Nơi đây, 8 năm trước đã bắt đầu thực hiện công cuộc di dời, tái định cư để nhường đất cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng rất quan tâm đến kết quả thực hiện Dự án Di dân tái định cư Thủy điện Sơn La. Năm 2010, với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, tại lễ báo công hoàn thành di dân tái định cư dự án thuỷ điện Sơn La, ông đã đánh giá đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Khi đó, tỉnh Điện Biên phải tổ chức di chuyển, bố trí sắp xếp tái định cư và ổn định đời sống, sản xuất cho 4.724 hộ dân. Đến nay, Mường Lay đã khoác lên mình một diện mạo mới, khởi sắc hơn, đời sống người dân ổn định hơn. Bộ trưởng đã dành thời gian đến thăm, tặng quà gia đình ông Khoàng Văn Phanh, phường Na Lay (Mường Lay) để tri ân người có công trong công tác tuyên truyền người dân thực hiện dự án di dân lịch sử này.

Ông cùng đoàn công tác đã thăm khu đất sản xuất bán ngập tại chân cầu Nậm Cản, phường Na Lay; vùng sản xuất rau an toàn của người dân tái định cư phường Sông Đà và kiểm tra tình hình thực hiện Dự án Khắc phục sự cố công trình san nền, đường giao thông, thoát nước khu tái định cư Chi Luông...

Tại buổi làm việc với UBND thị xã Mường Lay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng không quên đề nghị các cấp chính quyền địa phương cần đặc biệt chú trọng thực hiện hiệu quả Dự án Khắc phục sự cố công trình san nền, đường giao thông, thoát nước khu tái định cư Chi Luông và thường xuyên quan tâm khắc phục các sự cố trên tuyến quốc lộ 12 qua thị xã, đảm bảo an toàn khu vực dân tái định cư. Bộ trưởng đề nghị cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát huy lợi thế của địa phương, thu hút khách du lịch, phát triển dịch vụ, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống để người dân tái định cư yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế bền vững...

Khởi đầu với những lo toan, bộn bề khi một thị xã nhỏ tiếp cận với cuộc tái định cư lịch sử, Mường Lay đã khác xưa với quy hoạch hiện đại, có nhiều tiềm năng để trở thành một trong những “viên ngọc quý” trong phát triển dịch vụ du lịch vùng Tây Bắc nhưng với vị cựu Chủ tịch tỉnh nay với cương vị là Bộ trưởng Bộ Tài chính, dù đã qua những ngày đầu gian khó ấy, ông vẫn mong người dân Mường Lay có cuộc sống ổn định hơn, phát huy tiềm năng và lợi thế làm giàu trên mảnh đất của mình.

...Cứ vào tiết tháng 2, tháng 3, cả vùng lòng chảo Điện Biên trở nên mơ mộng, thanh khiết bởi hoa ban phủ kín khắp lưng đèo, đỉnh núi. Tạm biệt Điện Biên với những con đường trải nhựa phẳng phiu nhưng quanh co, ngoằn ngoèo theo núi, theo đèo. Níu chân du khách là vạt rừng xanh mướt điểm sắc trắng hoa ban và câu hát da diết: "Đường lên Tây Bắc quanh co, tiếng chim rừng đây đó, đằng xa tiếng hát đồng xanh, lúa reo trên đồi cao...". Lời ca mượt mà như bức tranh nhiều màu sắc - một nét riêng có của đất trời Tây Bắc khiến chúng tôi không nỡ rời xa...

Minh Anh