thuế thanh hóa

Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được xác định là giải pháp hữu hiệu giúp chống thất thu, tang thu ngân sách. Ảnh: Đ.M

Giải pháp hữu hiệu chống thất thu ngân sách

Ông Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra thuế do Cục Thuế Thanh Hóa thực hiện đã đạt được những kết quả khá tốt. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế Thanh Hóa đã phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho người nộp thuế, đồng thời, nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách, qua đó góp phần tăng thu NSNN.

Cụ thể, năm 2017, Cục Thuế Thanh Hóa đã thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đạt 24.355 hồ sơ, qua đó, làm tăng số thuế phải nộp lên 9,1 tỷ đồng, giảm lỗ 7,8 tỷ đồng; hoàn thành 409 cuộc thanh tra tại trụ sở người nộp thuế (NNT), qua đó, ra quyết định truy thu, truy hoàn và phạt số tiền trên 95,2 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT trên 19,8 tỷ đồng, giảm lỗ trên 27,5 tỷ đồng. Cùng thời điểm, cơ quan thuế cũng hoàn thành 1.758 cuộc kiểm tra tại trụ sở NNT, truy thu, truy hoàn và phạt trên 98 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT trên 33,5 tỷ đồng, giảm lỗ trên 705 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cục Thuế Thanh Hóa luôn tăng cường thanh tra kiểm tra ở lĩnh vực chống chuyển giá. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra ở lĩnh vực này, Cục Thuế Thanh Hóa đã xử lý truy thu, truy hoàn và phạt trên 13,9 tỷ đồng, giảm lỗ 505,9 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan thuế đã yêu cầu DN tự khai điều chỉnh theo mức tỉ suất phù hợp có sự tham khảo cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế, kết quả đã thực hiện đối với 8 đơn vị, số tiền thuế truy thu và phạt 3,3 tỷ đồng, giảm lỗ 502,8 tỷ đồng.

Tập trung tối đa nguồn lực cho thanh tra, kiểm tra

Năm 2018, Cục trưởng Ngô Đình Hùng cho biết, Cục Thuế Thanh Hóa xác định công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục là giải pháp hữu hiệu trong chống thất thu cho ngân sách. Do vậy, ngay từ những ngày đầu năm, Cục Thuế Thanh Hóa đã tiến hành lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thông qua việc phân tích các hồ sơ thuế có dấu hiệu rủi ro lớn như các giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, các DN có hoạt động kinh doanh lỗ nhiều năm; DN phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng bất động sản…

Đồng thời, lựa chọn thanh tra, kiểm tra vào các ngành nghề, lĩnh vực có dư địa thu lớn như: Dầu khí, xăng dầu, dược phẩm; kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng; các DN kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến; kinh doanh vận tải, xây dựng, khảo sát thiết kế; các tập đoàn, tổng công ty có doanh thu và có số thu nộp ngân sách lớn; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, đặc biệt các lĩnh vực có rủi ro cao, ông Hùng cho biết thêm.

Cũng theo ông Hùng, để công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả cao nhất, Cục Thuế Thanh Hóa đã thực hiện bổ sung tối đa nguồn nhân lực cho công tác này, đồng thời, áp dụng kỹ năng thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng đối tượng để nâng cao hiệu quả cuộc thanh tra; lập kế hoach phân bổ chỉ tiêu cụ thể đối với công tác thanh tra, kiểm tra của các phòng thanh tra, kiểm tra và Chi cục Thuế theo nguồn nhân lực và số DN đang quản lý còn hoạt động.

Bên cạnh đó, Cục Thuế Thanh Hóa còn tăng cường công tác đào tạo chuyên sâu, chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong toàn đơn vị với mục tiêu: Giảm tối đa thời gian thanh tra, kiểm tra tại DN; nâng cao kỷ cương kỷ luật và trình độ đối với cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế, qua đó, giảm sách nhiễu, gây phiền hà cho DN.

Đồng thời tăng cường đôn đốc thu nộp kịp thời các khoản tiền, thuế phải nộp sau thanh tra, kiểm tra vào ngân sách. Theo đó, mỗi đoàn thanh tra, kiểm tra phải phối hợp với bộ phận quản lý nợ thuế theo dõi, đôn đốc NNT nộp vào NSNN các khoản sau thanh tra, kiểm tra đạt số thu 85% sau thanh tra trong 90 ngày. Tăng cường đôn đốc xử lý các đơn vị chây ỳ không nộp các khoản thuế sau thanh tra vào ngân sách./.

Văn Tuấn