Tinh giản biên chế và cải cách hành chính

Bộ Tài chính vừa có báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) 9 tháng năm 2022. Tại báo cáo này cho biết, công tác cải cách hành chính (CCHC), loại bỏ các thủ tục rườm rà không cần thiết đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện, giúp cho công tác THTK, CLP ngày càng đạt hiệu quả cao, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Đặc biệt, các bộ, cơ quan ngang bộ đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan mình theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, các tiêu chí thành lập tổ chức phù hợp với quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP.

Nhiều địa phương đã rà soát, bố trí, sắp xếp lại tiêu chuẩn định mức xe công để tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Nhiều địa phương đã rà soát, bố trí, sắp xếp lại tiêu chuẩn định mức xe công để tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Tại địa phương, nhiều nơi đã tích cực rà soát, ban hành đề án sắp xếp lại, kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo thẩm quyền được giao. Bộ Nội vụ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 và từng năm để đảm bảo đến hết năm 2026, giảm tối thiểu 5% biên chế công chức, 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ NSNN so với năm 2021. Tính lũy kế từ năm 2015 đến ngày 16/9/2022, số tinh giản biên chế cả nước là 78.234 người (trong đó trung ương là 5.451 người, địa phương là 72.783 người).

Về phía Bộ Tài chính, để công tác THTK, CLP đạt hiệu quả, Bộ đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Tính đến ngày 15/9/2022, tổng số TTHC của Bộ Tài chính còn hiệu lực là 820 thủ tục; 100% TTHC đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Đến nay, tổng số DVCTT của Bộ Tài chính thực tế triển khai là 813, trong đó, mức độ 1 là 84 (đạt tỷ lệ 10,33%); mức độ 2 là 265 (tỷ lệ 32,6%); mức độ 3 là 55 (tỷ lệ 6,76%); mức độ 4 là 409 (tỷ lệ 50,31%). Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 296/464 DVCTT mức độ 3,4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 63,79%; đã kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và hoàn thành cung cấp dữ liệu 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội, 5/9 chỉ tiêu điều hành hàng ngày theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

Thu nộp ngân sách trên 7.756 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra

Cũng báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, nhiệm vụ chi NSNN được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp. Theo đó, trong 9 tháng qua, tổng chi cân đối NSNN khoảng 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,95% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, tính đến hết tháng 9/2022, NSNN đã chi khoảng 14,9 nghìn tỷ đồng để phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn.

Nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát NSNN nhằm xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây lãng phí NSNN, trong 9 tháng qua, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 53.784 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 645.325 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính trên 48.551 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN trên 7.756 tỷ đồng.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sắp xếp lại, xử lý nhà đất

Tính đến ngày 20/9/2022, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 29.757 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tính đến ngày 31/8/2022 tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật 1.608.172,83 tỷ đồng; 63.714 tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (nguyên giá 4.191.237 tỷ đồng, giá trị còn lại 3.266.749 tỷ đồng); 502.898,585 km chiều dài các tuyến đường; 15.665 công trình nước sạch nông thôn tập trung, với tổng giá trị 34.749 tỷ đồng.

Để công tác THTK, CLP ngày càng đi vào thực chất, giúp tiết kiệm chi cho NSNN, ông Trần Huy Trường – Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong 3 tháng cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định pháp luật về việc xây dựng, thực hiện Chương trình THTK, CLP. Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP và pháp luật chuyên ngành, tập trung lĩnh vực trọng điểm như: quản lý đất đai; tài nguyên; khoáng sản; đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.

Về phía Bộ Tài chính, ông Trường cho biết, sẽ tổ chức điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối kiểm soát và thanh toán các khoản chi NSNN. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu NSNN; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng NSNN, gắn với tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng NSNN, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng NSNN và các nguồn lực tài chính công.